Theo quy luật thời tiết hằng năm, tháng 5 và 6 là thời điểm khu vực miền Bắc bước vào cao điểm mùa hè, bắt đầu có nhiều đợt nắng nóng kéo dài khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao đột biến. Để người dân giảm bớt nỗi lo “tiền điện” mỗi khi hè sang, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) khuyến nghị cách sử dụng thiết bị điện đúng cách nhằm tăng tuổi thọ thiết bị cũng như tiết kiệm điện ở mức tối ưu.
Thời tiết nắng nóng làm nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa nhiệt độ tăng rất cao. Theo tính toán của chuyên gia kỹ thuật điện, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hoà nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60-65% tổng số lượng điện năng tiêu thụ. Hơn nữa, từ ngày 4/5, học sinh các cấp tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid - 19, điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt tăng cao.
Để giúp giảm chi phí tiền điện cho người dân và góp phần vận hành ổn định lưới điện thủ đô, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng sử dụng điện cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 đến 28 độ C. Bởi việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ khiến tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe. Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 đến 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.
Ngoài ra, việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện gây hại sức khỏe. Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 đến 15%.
Không chỉ sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ, EVNHANOI khuyến cáo người dân cách sử dụng các thiết bị điện gia dụng để tiết kiệm điện. Ví dụ, đối với bình đun nước siêu tốc, không để lại nước quá lâu bên trong bình khiến bình dễ bị bám cặn, đậy kín nắp bình khi đun và đun lượng nước đúng quy định; Đối với máy giặt, không nên cho quá nhiều quần áo vào máy giặt, không đặt các vật nặng lên trên máy giặt khi đang hoạt động; sử dụng bột giặt, nước xả dành riêng cho máy giặt và lấy quần áo ra khỏi máy ngay sau khi đã giặt xong. Đối với tủ lạnh, không đặt thức ăn nóng vào tủ, thường xuyên vệ sinh làm sạch phía sau tủ và đặc biệt không cắm điện tủ lạnh ngay sau khi vừa di chuyển tủ, có thể gây rò rỉ dầu máy.