Bắt khẩn cấp các cán bộ nhà nước hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, làm kinh tế là rất hy hữu từ trước đến nay, cho nên động thái này của Công an Quảng Ninh được coi như tín hiệu mới trong việc phòng chống tội phạm chức vụ, tội phạm kinh tế. Đáng chú ý hơn, hiện tại đang trong giai đoạn triển khai và xử lý 12 dự án nghìn tỷ "tồn kho", "đắp chiếu" tại Bộ Công Thương.
Những vi phạm tại các dự án này xảy ra đã lâu và đã tiến hành nhiều phương án tháo gỡ, song vẫn còn nhiều vướng mắc, hết cái này liên quan đến cái khác khiến cho tiến độ khắc phục chậm trễ. Những sai phạm tại các dự án này đã lộ rõ, nhiều người đã bị bắt, bị xử lý hình sự như ở Nhà máy sơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) hoặc ở Nhà máy Ethanol Phú Thọ.
Giá như, việc xử lý các dự án này trước đây cũng kịp thời như trường hợp ở Nhiệt điện Quảng Ninh hẳn hậu quả không nặng nề đến thế và không những ngăn chặn được sự tổn thất về kinh tế mà còn giữ được sinh mạng pháp lý của nhiều cán bộ lãnh đạo các dự án này. Cũng cần quan tâm đến việc báo chí phản ảnh như chuyện dự án dang dở, nợ ngập đầu, “lãi mẹ đẻ lãi con” nhưng các "ông chủ" của dự án thua lỗ đó lại xây dựng tư dinh nguy nga, tráng lệ cho riêng mình.
Trong việc xử lý cán bộ gần đây, xuất hiện nhiều trường hợp cá nhân hoặc tổ chức bị kỷ luật. Mới đây là trường hợp cả Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Đắk Nông bị Tỉnh ủy ra quyết định kỷ luật khiển trách vì có nhiều vi phạm trong công tác điều hành, giao đất, giao rừng, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Động thái này tuy không vào dạng "khẩn cấp" nhưng kịp thời ngăn ngừa sự vi phạm tương tự tiếp diễn. Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, chuẩn bị cho đại hội các cấp mà các nhà lãnh đạo đất nước đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng "chạy phiếu bầu", "chạy phiếu tín nhiệm". Việc "chạy" này không chỉ đơn phương của những người "chạy" mà nó còn phụ thuộc vào thái độ của người được "chạy" - những người có quyền chức, quyền lực và tiếng nói có trọng lượng đáng kể vào việc sắp xếp bộ máy quyền lực nhà nước trong công tác nhân sự.
Mới nhất, trong cuộc hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng chống tham nhũng, có ý kiến nêu thực trạng khá phổ biến "bố làm giám đốc, con làm trưởng phòng" và như vậy là có "xung đột lợi ích" như trong dự thảo quy định không?
Kịp thời ngăn chặn tham nhũng từ những điều luật đến thực hành, từ những kỷ luật đến các trường hợp phải "bắt khẩn cấp" thì hẳn là có tác dụng và hiệu quả hơn rất nhiều để hậu quả xảy ra rồi dây dưa xử lý.