Xưa nay, mái chùa đã trở thành chốn quen với đời sống người Việt. Kể cả người có tôn giáo hay không có tôn giáo, có đức tin hay không, thì cũng ít nhất một lần bước chân vào gian chùa, thành kính trước tượng Phật từ bi mà uy nghiêm.
Đến chùa, có người để vái lạy, cầu xin, có người nhét tiền vào tượng Phật, có người cúng dường, có người dâng sao giải hạn, cũng có những người chỉ đến làm công quả... Tất cả đều hướng đến sự mong cầu tiền bạc, danh lợi, sức khỏe, cầu may mắn...
Chính bởi lòng mong cầu quá độ, nhiều người đã đồng hóa đạo Phật với tín ngưỡng mang màu sắc dị đoan, biến đức Phật thành một vị thần linh trong tín ngưỡng cổ xưa, chuyên “phù hộ” và đáp ứng cho những mong muốn của người đời.
Đạo Phật dạy cho con người ta buông bỏ tham, sân, si, nhưng người ta lại dùng sự tham lam để biến mái chùa, biến tượng Phật thành nơi con người thỏa mãn bản ngã cao nhất, để tha hồ bày tỏ sự tham sân của mình.
Giờ đây, nhiều ngôi chùa đã trở thành nơi chuyên cung cấp “dịch vụ” trao đổi: đổi chác lời cầu nguyện lấy sự mưu cầu, đổi chác tiền bạc để lấy sự an tâm... Đây đó, mái chùa bị biến thành một “cơ sở tâm linh” nhuốm màu vật chất với các hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan, mà buồn thay, do chính những “người của nhà chùa” đứng ra tổ chức.
Thế nên, mới có chùa nổi tiếng về cúng sao giải hạn, có chùa được biết đến với “dịch vụ” gọi vong, có chùa chuyên làm lễ cầu duyên, và cũng có ngôi chùa mà quan chức tấp nập đến vì “linh thiêng” trong việc đem đến cho họ quyền lực...
Phật giáo, và bất cứ một tôn giáo chân chính nào, ra đời đều với mục đích làm điểm tựa tâm linh cho con người, khiến con người hướng đến những điều tốt đẹp hơn, sống tốt hơn. Mái chùa, đáng ra là nơi đầy thanh tịnh và bình yên, đưa người ta đến chân thiện mỹ.
Giáo lý của Phật giáo, vốn dĩ không hướng đến sự tìm kiếm, mưu cầu mọi thứ từ chung quanh mà thực chất là sự tự giác ngộ và giải thoát chính bản thâm thoát khỏi những đam mê, lầm lạc, u tối, tham lam.
Phật không phải thần thánh để kiếm tìm, Phật chính là cái tâm trong lành, tốt đẹp, thiện lương của mỗi người. Như vậy thì, đến chùa để cầu nguyện, van xin Phật đáp ứng những mong muốn của mình, chính là một hành động vô nghĩa.
Mái chùa không có lỗi, lỗi là ở những người biến mái chùa thành chốn thị phi, giông bão. Chỉ khi nào người đến chùa hiểu ra rằng, Phật không ở trong chùa, chùa chỉ là nơi để người ta hướng Phật, hướng thiện, để đốt lên tinh thần “tự mình thắp đuốc lên mà đi”, thì những mái chùa mới được trả lại trọn vẹn vẻ đẹp của nó.