Nét đẹp nghi lễ cấp sắc của người Dao Thái Nguyên
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Trung du miền núi phía Bắc, Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng là nơi có bề dày lịch sử, là thủ đô kháng chiến của Việt Bắc , biết đến với cái tên Đệ nhất danh trà. Nơi đây còn là nơi hội tụ của đa dạng các nét đẹp văn hóa các dân tộc trong đó lễ cấp sắc.
Lễ cấp sắc được người Dao duy trì bền vững từ nhiều đời nay. Là do ý thức tốt đẹp từ chính cộng đồng người Dao. Nghi lễ cấp sắc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao.
Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, có tính chất giáo dục cao đối với thế hệ trẻ. Làm giàu đẹp và đa dạng cho kho tàng văn hóa của địa phương.Lễ cấp sắc vì vậy trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Dao, trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Lễ cấp sắc được người Dao duy trì bền vững từ nhiều đời nay. |
Người Dao có nhiều nhóm, gồm: Dao Đỏ, Dao Lô Gang và Dao Quần Chẹt, Dao Tuyển và Dao Họ... Nhưng, dù ở nhóm nào thì người đàn ông cũng đều phải trải qua Lễ cấp sắc mới được cộng đồng làng bản công nhận đã trưởng thành, được tham gia các việc trong làng bản. Trình tự của nghi lễ cấp sắc được thực hiện gồm các bước cơ bản là: Lễ trình diện của người thụ Lễ; Lễ cấp đèn và hạ đèn; Lễ đặt pháp danh; Lễ giao âm binh và gạo nuôi quân; Lễ qua cầu; Lễ cấp dụng cụ cúng bái; Lễ truyền pháp lực; Lễ cúng thần mặt trời. Cúng Bàn Vương là lễ chung cho Lễ cấp sắc ở các cấp bậc 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Trong trường hợp làm Lễ cấp sắc từ 7 đèn trở lên, thì tiếp tục làm các nghi lễ tiếp theo: Lễ tơ hồng; Lễ cúng hồn lúa; Lễ thăm thiên đình và Lễ thăng đàn.Lễ cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm.Chọn ngày đẹp để thực hiện.
Theo phong tục, người muốn được làm lễ cấp sắc thì trong năm đó gia đình phải không có tang hoặc gặp điều xui xẻo, mọi người trong nhà phải ăn kiêng những vật cúng trong lễ như cơm nếp, thịt lợn, thịt gà… cho đến khi làm lễ cấp sắc xong bởi người Dao quan niệm, nếu ăn các thức ăn này thì thần thánh và gia tiên sẽ quở trách là ăn phải của dở và việc thực hiện nghi lễ không còn linh thiêng nữa.
Theo thầy cúng Bàn Văn Phúc (Hoàng Nông, Đại Từ, Thái Nguyên) “Người Dao sinh ra và lớn lên phải làm lễ cấp sắc thì mới được coi là người trưởng thành. Để cho trời đất thiên địa biết được, mọi người kính nể. Người chưa biết điều sau khi cấp sắc thì sẽ trở nên hiểu biết hơn, biết lễ nghĩa, biết lo toan gia đình hơn. Với các nhóm người Dao khác nhau có thể cấp sắc cho người chưa lập gia đình. Nhưng riêng nhóm Dao Quần Chẹt chỉ cấp sắc cho người đàn ông trên 18 tuổi và đã có gia đình. Với người dân tộc Dao, những ngày diễn ra lễ cấp sắc giống như ngày hội của cả dòng họ và làng bản, ai ai đều cũng tham gia.”
Thày cúng Bàn Văn Phúc luôn mong muốn bảo tồn Lễ cấp sắc. |
Sau Lễ, người thụ lễ nhận người làm Lễ cấp sắc cho mình là cha. Từ nhiều năm nay, nghi lễ cấp sắc trong đồng bào người Dao đã có sự cải biến phù hợp. Bản sắc gốc được gìn giữ, lưu truyền, song cách làm được thực hiện phù hợp hơn với tâm lý, tình cảm của mọi người trong cộng đồng. Một số nghi lễ như nhày múa thì được tối giản hơn, tạo điều kiện cho những người già hay những người không thể nhảy múa. Thực hiện hình thức phù hợp với nghi thức vốn có là coi như được chấp nhận.
Trong suốt thời gian diễn ra nghi lễ diễn ra từ 2-3 ngày, từng “hoạt cảnh” linh thiêng, huyền bí được các thầy cúng và người được thụ lễ diễn xướng trong tiếng chuông, trống, tiếng kèn đồng, có lúc còn có thêm các đạo cụ như gậy, kiếm, đao… Các thầy cúng thay nhau đọc về lịch sử, cội nguồn, quá trình thiên di của người Dao, những khó khăn khi vượt sông, biển tìm về miền đất mới .Thể hiện nét đẹp truyền thống đặc sắc , quý giá của người dân tộc Dao.
Cần được bảo tồn và trân trọng
Với cộng đồng người Dao, thì đây là truyền thống dân tộc được coi trọng và gìn giữ. “ Nghi lễ này là nghi lễ đáng quý của dân tộc, dù để thực hiện có tốn kém thì chắc chắn vẫn sẽ cố gắng duy trì. Nay thì không chỉ có người Dao mà người Kinh khi lấy người dân tộc Dao cũng muốn làm lễ này, họ ủng hộ rất nhiệt tình”- thầy Phúc chia sẻ thêm.
Ngày 29/3/2016, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức lễ công nhận Di sản phi vật thể cấp Quốc gia đối với Nghi lễ cấp sắc của người Dao. Chính vì thế, việc bảo tồn và gìn giữ những nét đặc trưng và truyền thống của nghi lễ cũng là vấn đề cần được quan tâm. Các cấp chính quyền cần phải có sự quan tâm hơn nữa đến cộng đồng dân cư để khuyến khích, hỗ trợ họ thực hiện, duy trì.
Nghi lễ độc đáo của người Dao. |
Cũng theo thày cúng Bàn Văn Phúc cũng như những thày cúng nơi đây, các cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ cũng như thúc đẩy việc học và duy trì tiếng dân tộc hiện nay, bởi vì hiện nay việc sử dụng tiếng dân tộc đang dần bị mai một đi. Đa số thế hệ trẻ hiện nay không thể nói được tiếng dân tộc Dao nữa. Tiếng nói của dân tộc thì khó giữ và duy trì, mà để có thể thực hiện được nghi lễ Cấp sắc thì tiếng dân tộc là điều quan trọng nhất;
Cần thiết có thể mở các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc, khuyến khích những người biết thông thạo có thể trực tiếp chỉ bảo cho con cháu mình; Luyện tập và giáo dục thế hệ trẻ các nghi lễ, các bước.. của một lễ cấp sắc, giáo dục ý thức biết gìn giữ cũng như duy trì nét văn hóa độc đáo; Nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hoá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản cho thế hệ trẻ.
Thông qua những nghi thức của lễ, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Các phần của nghi lễ cần được diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do người dân chủ động tham gia ,mang lại một lễ cấp sắc thiết thực, lành mạnh; Không nên tùy tiện sử dụng và thực hiện lễ cấp sắc, làm phai nhòa và mất đi tính truyền thống của dân tộc….