Đến dự buổi lễ có Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Đồng chí Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam; Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; cùng đông đảo đại diện các ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành; đại diện nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
|
TBT Báo Pháp luật Việt Nam, TS Đào Văn Hội |
15h30: TBT Báo Pháp luật Việt Nam, TS Đào Văn Hội: Hôm nay, Báo Pháp luật Việt Nam vui mừng được chào đón các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành; các vị khách quý về dự Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Báo Pháp luật Việt Nam xuất bản số đầu tiên, đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất và Lễ vinh danh Gương sáng Tư pháp.
Thay mặt tập thể những người làm Báo Pháp luật Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, tham dự của các đồng chí và bạn bè, đồng nghiệp, cộng tác viên của Báo trong buổi Lễ hôm nay. Đó là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với những người làm Báo Pháp luật Việt Nam trên ngưỡng cửa tuổi 30 đầy nhiệt huyết, phấn đấu vì sự nghiệp truyền thông pháp luật và sứ mệnh cao cả của báo chí Cách mạng, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...", Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Tiến sỹ Đào Văn Hội bắt đầu buổi lễ với bài diễn văn long trọng.
Với những nỗ lực to lớn của đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của Báo, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Báo Pháp luật Việt Nam đã trở thành tờ báo có số lượng ấn phẩm đa dạng và có nhiều bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước, với 8 ấn phẩm báo in và 1 ấn phẩm báo điện tử, đa dạng, phong phú các ấn phẩm cũng đồng nghĩa với sự lan tỏa rộng rãi trong công chúng bạn đọc tư tưởng, triết lý mà người làm báo Pháp luật Việt Nam đã lựa chọn.
Tờ báo hay là tờ báo có nhiều độc giả, có nhiều độc giả thì tất nhiên truyền tải được nhiều hơn định hướng về một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và nhờ đó, củng cố uy tín, thế đứng của tờ báo, khẳng định uy tín, vị thế của ngành Tư pháp nước nhà.
|
Bộ trưởng Hà Hùng Cường (bên phải) và TBT Báo Pháp luật Việt Nam, TS Đào Văn Hội |
Chia sẻ các phương hướng phát triển tiếp theo của báo, Tiến sỹ, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Đào Văn Hội khẳng định: "Tam thập nhi lập, Pháp luật Việt Nam đang tiếp bước vững chãi tuổi 30, các thế hệ những người làm báo Pháp luật Việt Nam đang truyền cho nhau ngọn lửa đam mê, sáng tạo và nhiệt tình cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho sự nghiệp truyền thông pháp luật, sự nghiệp tư pháp, vì một nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh".
Vui mừng trước sự trưởng thành, lớn mạnh hiện nay của báo Pháp luật Việt Nam, ông Phùng Ngọc Đức, Cộng tác viên gắn bó với báo Pháp luật Việt Nam gần 30 năm, bày tỏ: "Tôi xin gửi lời cảm tạ và chúc mừng đến những người làm báo Pháp luật Việt Nam đã cho tôi cơ hội được tham gia làm báo và cộng tác với báo gần 30 năm nay".
16h15, ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Bộ tư pháp mời đại diện lãnh đạo báo Pháp luật Việt Nam, đại diện cho đội ngũ cán bộ, phóng viên và nhân viên Báo Pháp luật Việt Nam lên nhận Quyết định tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước đối với Báo Pháp luật Việt Nam.
16h20: Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội lên trao Huân chương cho đội ngũ lãnh đạo báo Pháp luật Việt Nam.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp trao danh hiệu Chiến sỹ Thi đua Toàn quốc cho ông Đào Văn Hội, Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam |
16h25: Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung Ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trao tặng các phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ cho tập thể và các cá nhân có thành tích xuất sắc của báo Pháp luật Việt Nam.
Tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho báo Pháp luật Việt Nam, tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua Toàn quốc cho ông Đào Văn Hội, Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam. Tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba cho ông Đặng Ngọc Luyến, Phó Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam và ông Vũ Hoàng Diệp, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam.
|
Các cá nhân có thành tích xuất sắc của báo Pháp Luật Việt Nam nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ. |
16h30: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận: Báo Pháp luật Việt Nam đã trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, gắn liền với thời kỳ đổi mới đất nước. Đội ngũ những người làm báo Pháp luật Việt Nam không ngừng trưởng thành về mọi mặt. Với cách nghĩ, cách làm mới, Báo Pháp luật Việt Nam và những người làm Báo luôn bám sát thực tiễn hoạt động của ngành, đời sống pháp luật của đất nước, là công cụ quan trọng của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ và của Bộ Tư pháp. Ông Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh: Kỷ niệm 30 năm ngày Báo Pháp luật Việt Nam xuất bản số đầu tiên cũng là năm kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng VIệt nam, 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp, để tiếp tục phát huy truyền thống đã đạt được và định hướng phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam cần tập trung làm tốt hơn một số nội dung sau:
Báo Pháp luật Việt Nam cần bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, phản ánh tình hình thi hành Hiến pháp, pháp luật, nhất là “gương người tốt, việc tốt” trong việc thi hành pháp luật; bảo vệ công lý; bảo vệ quyền; lợi ích hợp pháp của Nhân dân, các giá trị tốt đẹp của dân tộc và dân chủ, nhân quyền, pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phê phán, đấu tranh với cac hiện tượng xã hội tiêu cực, vi phạm pháp luật, suy thoái về đạo đức, lối sống, nhất là tệ nạn tham nhũng, quan lieu, lãng phí.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi lễ. |
Cần xây dựng kế hoạch phát triển theo định hướng của Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, theo đó, các cơ quan báo in thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Nghiên cứu tổ chức xuất bản các loại hình báo in, báo điện tử, và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa đảm bảo tự chủ về tài chính.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần nhân ái, trách nhiệm, cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện tốt chủ trương, chính sách đền ơn đáp nghĩa; phát huy truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình nghèo, cùng các doanh nghiệp hợp tác thực hiện chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật” cho đồng bào ở vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân...
16h50: Trước những ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đối với Báo Pháp luật Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu, sự ghi nhận của Đồng chí đối với những thành tích của Báo trong thời gian vừa qua là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với đội ngũ những người làm báo Pháp luật Việt Nam, để các công chức, viên chức, người lao động của Báo tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
"Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi xin hứa với Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đang và sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo kịp thời đối với công tác của báo Pháp luật Việt Nam để Báo luôn năng động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền nói.
17h: Báo Pháp luật Việt Nam tiến hành vinh danh Gương sáng Tư pháp, thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp, Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ 6 và 30 năm ngày Báo Pháp luật Việt Nam xuất bản số đầu tiên.
Hướng tới Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ 6 và 30 năm ngày Báo Pháp luật Việt Nam xuất bản số đầu tiên, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Chương trình Vinh danh Gương sáng Tư pháp 2015. Đây là lần thứ 2 Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức chương trình vinh danh Gương sáng Tư pháp. Cuộc thi viết và vinh danh Gương sáng Tư pháp và đã nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo cán bộ trong và ngoài ngành Tư pháp.
Chỉ sau 6 tháng phát động, Cuộc thi viết Gương sáng Tư pháp đã nhận được hàng trăm bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước gửi về. Mỗi tác phẩm dự thi không chỉ là một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh mà còn là những phát hiện, lời biểu dương những điển hình tiên tiến, những con người tâm huyết với sự nghiệp tư pháp.
Hội đồng bình chọn “Gương sáng Tư pháp” đã lựa chọn 30 gương sáng tư pháp, là những người có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Tư pháp. Đồng thời, Hội đồng bình chọn của Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã xem xét khách quan và quyết định trao giải (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích) cho 15 tác giả có các tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi.
1 giải Nhất: Tác phẩm “Người có công lớn đưa chế định Thừa phát lại vào cuộc sống”. Tác giả: Ngọc Mai (Tên thật: Trần Thị Ngọc Mai)
2 giải Nhì:
- Tác phẩm: “Luật sư Trịnh Văn Quyết: Người truyền lửa”. Tác giả: Thanh Lương.
- Tác phẩm: “Nữ Vụ trưởng Hợp tác quốc tế nhiều sáng kiến”. Tác giả: Hồng Thúy.
2 giải Ba:
- Tác phẩm: “Người phổ luật thành nhạc trên cao nguyên”. Tác giả: Trương Phúc Ân.
- Tác phẩm: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn pháp y”. Tác giả: Hồng Minh (tên thật: Bùi Thị Xuân Hoa)
10 giải Khuyến khích:
- Tác phẩm “Tấm gương hướng về biển đảo quê hương”. Tác giả: Hoàng An (tên thật: Lê Hải Yến, Sở Tư pháp Quảng Ngãi)
- Tác phẩm: “Một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực”. Tác giả: Đỗ Văn Nhân.
- Tác phẩm: “Cháy hết mình với Tư pháp Sóc Trăng”. Tác giả: Quang Ngọc – Hà Vy.
- Tác phẩm: “Đại sứ” hòa giải của hàng ngàn đương sự”. Tác giả: Mai Long.
- Tác phẩm: “Nữ cán bộ tư pháp người Khơ Mú hết mình với công việc”. Tác giả: Tạ Quang Đạo.
- Tác phẩm: “Người biến tư pháp thành “đặc sản” trên đất cò Thanh Miện”. Tác giả: Đinh Luyện.
- Tác phẩm: “Người Cục trưởng 30 năm gắn bó với nghề”. Tác giả: Bình An (tên thật: Bùi Thị Thu Hằng)
- Tác phẩm: “Ngọn đuốc” sáng dãy Giăng Màn. Tác giả: Trần Nguyên Phong.
- Tác phẩm: “Người có nhiều sáng kiến đột phá cho ngành Tư pháp”. Tác giả: Lê Minh Hùng.
- Tác phẩm: “Già làng Nay Tơr tận tâm với công tác phổ biến pháp luật”. Tác giả: Hoàng Cư.
|
Tác giả có tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi Gương sáng Tư pháp được tặng thưởng. |
|
Danh sách 30 Gương sáng Tư pháp được hội đồng bình chọn |
Nhiều đồng nghiệp, báo bạn cũng chia vui, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Báo Pháp luật Việt Nam nhân dịp Báo kỷ niệm 30 năm Ngày xuất bản số đầu tiên (10/7/1985 - 10/7/2015) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đại diện Ban biên tập Báo Xây dựng, Tổng biên tập Báo Xây dựng Nguyễn Anh Dũng viết: "Chúng tôi đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “30 năm xây dựng và trưởng thành của Báo Pháp luật Việt Nam là một chặng đường đầy khó khăn, thách thức với việc hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về việc đưa nền pháp luật, Tư pháp đến gần dân hơn và cũng là một bộ phận không tách rời của quá trình đầy trăn trở để khẳng định và thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện đất nước, hình thành và phát triển kinh tế thị trường gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Quá trình phát triển của Báo là một minh chứng sống động về sự đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc, vừa có sự thận trọng cần thiết trong tư duy chính trị - pháp lý vừa có những bứt phá trong cách làm báo, ra báo của những người cầm bút trong bối cảnh cải cách pháp luật và cải cách Tư pháp thời kỳ quá độ, khi cái cũ chưa mất đi, cái mới chưa định hình vững chắc".
Xin kính chúc Báo Pháp luật Việt Nam ngày càng phát triển trở thành một điểm sáng trong “làng” báo chí cách mạng Việt Nam",
Buổi lễ được tường thuật trực tiếp trên báo Pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn). Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường gửi thư chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ghi nhận: "30 năm xây dựng và trưởng thành của Báo Pháp luật Việt Nam là một chặng đường đầy khó khăn, thách thức với việc hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về việc đưa nền pháp luật, Tư pháp đến gần dân hơn và cũng là một bộ phận không tách rời của quá trình đầy trăn trở để khẳng định và thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện đất nước, hình thành và phát triển kinh tế thị trường gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Quá trình phát triển của Báo là một minh chứng sống động về sự đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc, vừa có sự thận trọng cần thiết trong tư duy chính trị - pháp lý vừa có những bứt phá trong cách làm báo, ra báo của những người cầm bút trong bối cảnh cải cách pháp luật và cải cách Tư pháp thời kỳ quá độ, khi cái cũ chưa mất đi, cái mới chưa định hình vững chắc.
|
Phó TBT Đặng Ngọc Luyến với các quan khách tại buổi lễ. |
Với việc ra số báo đầu tiên, về tổ chức, từ một bộ phận của Vụ Tuyên truyền giáo dục pháp luật, Báo Pháp luật thường thức đã tách ra thành đơn vị độc lập, được trao sứ mệnh vinh quang, trở thành cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, rồi vươn lên với tên gọi đầy tự hào - Báo Pháp luật Việt Nam khi mới vừa tròn tuổi 17 căng đầy sức sống (năm 2002), cầu nối Nhân dân với Bộ, ngành Tư pháp, rộng hơn nữa là với Nhà nước và Pháp luật.
Hơn mười năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã cùng toàn ngành Tư pháp bước vào giai đoạn phát triển mới với việc triển khai các chiến lược của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách Tư pháp, với mục tiêu góp phần xây dựng những nền tảng pháp quyền trong lòng dân, trong lòng xã hội.
Cùng với sự vươn lên của ngành Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam với cách nghĩ mới, cách làm mới đã phát huy tốt vai trò trong việc thông tin, tuyên truyền cũng như huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, xây dựng các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, tố tụng tư pháp, các bộ luật rường cột của hệ thống pháp luật như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
17h30, buổi lễ kết thúc tốt đẹp.