Bạo lực học đường - khi người thầy đi chệch “đường ray”

Người thầy chỉ có thể đến với học trò bằng kiến thức và đam mê sự nghiệp “trồng người”. (Ảnh minh họa )
Người thầy chỉ có thể đến với học trò bằng kiến thức và đam mê sự nghiệp “trồng người”. (Ảnh minh họa )
(PLO) - Những ngày tháng 11 này, Bộ GD&ĐT đã  đưa ra dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến góp ý, trong đó nhấn mạnh về xử phạt hành vi bạo lực học đường. Và trong khi quy định này đang được tranh luận gay gắt thì vẫn có hàng loạt những vụ bạo lực học đường tiếp diễn…

Những hình phạt “kỳ lạ”

Mới đây, ngày 5/11, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết, trường Tiểu học Trần Văn Ơn vừa đình chỉ cô giáo chủ nhiệm lớp 5/2 trong 15 ngày để xem xét xử lý về hành vi phản sư phạm. Trước đó, phụ huynh đã phản ánh đến lãnh đạo nhà trường việc cô giáo chủ nhiệm lớp 5/2, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn có một hình phạt “kỳ lạ” đối với những em học sinh nói chuyện riêng là bắt học sinh tự tát vào mặt theo cấp số cộng.

Cụ thể, học sinh đầu tiên nói chuyện sẽ tự tát mình 2 cái, em thứ hai tự tát 4 cái, cứ thế em tiếp theo lại cộng thêm 2 cái... Rất nhiều em học sinh trong lớp 5/2 đã phải tự tay tát vào mặt mình do vi phạm quy định trên,  tuy nhiên các em không dám nói với bố mẹ vì sợ cô giáo. Cô chủ nhiệm cũng dùng những lời nói “không hay” mắng học sinh khi học kém.

Còn tại trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP HCM), giáo viên bị tố giác là thầy Nguyễn Phú Quốc, chủ nhiệm lớp 5/2. Cụ thể, chị H.L có con đang theo học lớp 5/2 của trường này bức xúc cho biết: “Con tôi bị bệnh nên ngày 26/9, tôi đã nhắn tin xin thầy giáo cho con nghỉ học và thầy đồng ý. Đến ngày 28/9 con đi học về trong tâm lý sợ hãi, con nói bị thầy tát do không làm bài tập kiểm tra. Bài đó làm trong ngày con tôi nghỉ bệnh, dù cháu đã mượn vở bạn để chép bài nhưng thiếu bài kiểm tra đó nên bị thầy đánh”. 

Ngày 26/10, ông Hoàng Nhật Tiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, trường đã thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét trường hợp cô Hồ Thị Hà (giáo viên chủ nhiệm lớp 1A) vì đánh học sinh.Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip dài 14 giây ghi lại cảnh lưng của một em học sinh lớp 1 tại Hà Tĩnh bị cô giáo chủ nhiệm đánh bầm tím lưng. Theo phản ánh của chủ nhân đoạn clip được cho là mẹ của em học sinh, tối 24/10, trong lúc tắm cho con gái đã phát hiện nhiều vết bầm tím ở sau lưng và cánh tay nên gặng hỏi. Cháu nói bị cô giáo chủ nhiệm đánh…

Trước đó, ngày 28/8, trên mạng xã hội xuất hiện 1 clip ghi lại hình ảnh lớp mầm non, với nhiều trẻ đánh hội đồng một bạn học sinh khác trong lớp. Tuy nhiên các cô giáo dù ở xung quanh và nhìn thấy nhưng không hề có hành động can ngăn khiến nhiều người phẫn nộ. Theo chia sẻ của người đăng clip, phụ huynh của trẻ bị đánh, clip được quay lại ở 1 lớp học của trường Mầm non Cầu Vồng ở thành phố Ninh Bình.

Có thể nói, chỉ riêng năm 2018 đã có liên tiếp các vụ bạo hành học sinh xảy ra ngay trong trường học, thậm chí với những hình thức khiến cả xã hội bàng hoàng, khi giáo viên ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, giáo viên ở Long An bắt học sinh quỳ suốt 45 phút, giáo viên ở Hà Nội bắt học sinh phải tát bạn, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh bắt học sinh tự tát vào mặt mình đến 32 cái…. Đó là cách giáo viên ứng xử với học sinh tiểu học, những em nhỏ ít có khả năng tự vệ.

Với học sinh lớn hơn, giáo viên không còn dùng bạo lực mà sử dụng công cụ khác: kỷ luật học đường. Vụ việc ở Trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa là một ví dụ tiêu biểu, khi không chỉ một giáo viên mà cả ban giám hiệu, hội đồng kỷ luật nhà trường thống nhất quyết định kỷ luật với 7 học sinh, trong đó có ba em bị đuổi học một năm, ba em bị đuổi học một tuần, một em bị cảnh cáo trước toàn trường, chỉ vì các em nói xấu giáo viên trên nhóm chat facebook mà giáo viên đã phát hiện ra nhờ… xâm phạm quyền riêng tư khi đọc tin nhắn trên điện thoại của các em.

Thầy cô  “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng phức tạp. Học sinh đánh nhau không chỉ dùng chân tay hay cặp sách, mà là những hình ảnh các em còn nguyên đồng phục cầm dao, kiếm để “xử nhau” theo “luật rừng” chỉ từ những lí do “trời ơi” như nói xấu, ghen tuông, không cho chép bài, hay chỉ đơn giản là “nhìn đểu”. Đơn cử như năm học 2017-2018, theo báo cáo của ngành giáo dục cả nước xảy ra vài trăm vụ bạo lực học đường, mỗi tỉnh, thành xảy ra khoảng 2-3 vụ. Trong khi đó, thống kê của ngành Công an thì số vụ liên quan đến bạo lực học đường là hơn 2.000 vụ, trong đó hơn 53% số vụ bạo lực xảy ra trong môi trường học đường (thuộc quyền quản lý của các cơ sở giáo dục).

Đành rằng, ngày nay có không ít các em là học sinh cá biệt, “yêng hùng” và thể hiện sự “anh chị” nên việc quản lý, bảo ban các em không dễ dàng. Tuy nhiên, ở môi trường học đường, xưa nay, học trò luôn có cảm nhận rất rõ về tình cảm của thầy cô, người thầy nào tận tâm, yêu trò, sẽ có rất nhiều trò yêu quý. Tuy nhiên, nếu người thầy đó không đủ tấm lòng bao dung, sự tế nhị và kiên nhẫn, không đủ khả năng kiểm soát bản thân khi giận dữ, người thầy sẽ làm mất đi hình ảnh của mình trong mắt trò. Bởi nhiệm vụ lớn nhất của người thầy khi đứng trên bục giảng là giáo dục học sinh, trước hết là giáo dục các em trở thành công dân biết sống yêu thương, nhân ái, vị tha, biết sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Và người thầy chính là sự phản chiếu tất cả những bài học đó, không chỉ là truyền thụ kiến thức thông thường. 

Chính bởi vậy, sẽ rất phản giáo dục khi người thầy sử dụng quyền uy, sự áp đặt mà không chấp nhận sự thật, làm thầy cũng có lúc sai. Lứa tuổi đang lớn, các em cần được học để hướng tới cái đẹp chứ không chỉ bởi những ứng xử thô thiển.

Nói về vấn đề này, Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT FPT cho rằng, nghề giáo là một nghề rất khó, khi một người thầy phải dạy dỗ hàng chục học sinh, mỗi em một tính cách, và đều đang ở độ tuổi hình thành cái tôi cá nhân, nhiều khi rất nghịch và rất bướng. Nghề giáo là một nghề rất khó vì mỗi học sinh là báu vật của mỗi gia đình, giáo viên sẽ phải chịu áp lực lớn từ phụ huynh. Nghề giáo là một nghề rất khó, vì có vai trò quyết định đến thế hệ tương lai đất nước, và vì thế được cả xã hội quan tâm, chăm sóc, thậm chí soi mói, một cách đặc biệt. Nhưng cũng chính vì sự khó và đặc biệt ấy, nghề giáo đòi hỏi người thầy phải có tố chất phù hợp, đủ năng lực để chịu được các áp lực, đủ kiên nhẫn để kiềm chế, làm chủ bản thân trong mọi tình huống, đủ thấu hiểu để cảm thông chia sẻ và bao dung với học trò, để hoàn thành nhiệm vụ trồng người. Nếu thấy mình không đủ tố chất thì hãy chuyển sang nghề khác, đừng mang các áp lực nghề nghiệp để ngụy biện cho hành vi sai trái, vì bất cứ nghề nào cũng có những áp lực riêng. Bởi bạo hành với học sinh, giáo dục lạm dụng quyền lực sẽ làm hỏng cả tương lai đất nước.

Mặt khác, theo lãnh đạo các nhà trường, hiện việc xử phạt học sinh được áp dụng theo Thông tư số 08. Quy định quá cũ với nhiều hình thức kỷ luật không còn phù hợp trong khi các hình thức vi phạm mới lại không được cập nhật đã khiến cho các nhà trường lúng túng.  Nhiều ý kiến cho rằng, các hình thức kỷ luật trước tập thể của Thông tư 08 đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay, khi giáo dục đang hướng đến cá nhân hóa và tôn trọng học sinh, ngành giáo dục đã triển khai thực hiện đổi mới căn bản toàn diện và Luật Giáo dục cũng đã hai lần sửa đổi. Trong khi đó, hiện đã  có nhiều hình thức vi phạm mới, chẳng hạn như việc nói xấu thầy cô trên internet… cần được cập nhật để các trường có hình thức kỷ luật phù hợp.

Thêm nữa, ngày nay xã hội phát triển, truyền thông, mạng xã hội, Facebook đã trở thành diễn đàn mở để người đời bàn tán hàng nghìn câu chuyện, hàng trăm đối tượng khác nhau. Và các thầy cô không nằm ngoại lệ. Thế nhưng không ít giáo viên đã bỏ qua “vũ khí” lợi hại này để đến gần học sinh hơn, hiểu những suy nghĩ, mong muốn của học trò mình hơn. Bởi nghề giáo bằng tất cả sự cao quý của mình, chính là người thầy vừa nghiêm khắc, vừa độ lượng và chỉ có thể đến với học trò mình bằng chính trái tim mà thôi, không phải đòn roi, không phải sự vô cảm, không phải sự bảo thủ và quyền uy… Tiếc rằng, đã có không ít người thầy làm “rầu nồi canh” đến vậy, thì tương lai học trò sẽ đi về đâu, khi mà bạo lực chỉ sinh ra bạo lực?

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...