Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Sau khi Bão qua đi, hoàn lưu bão đã và đang tiếp tục gây ra mưa lớn, nguy cơ lũ quét và sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều này cũng đã khiến nhiều khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo thống kê bước đầu, đến ngày 14/9/2024, đã có 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương. Bão số 3 cũng gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 257 nghìn căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị gẫy đổ
Chia sẻ với tổn thất, khó khăn do cơn bão số 3 gây ra đối với người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) Nguyễn Xuân Việt bày tỏ: “Mưa lũ, thiên tai luôn là thử thách lớn đối với tất cả chúng ta, và trong hoàn cảnh này, vai trò của ngành bảo hiểm càng trở nên quan trọng và thiết thực hơn bao giờ hết…”
Bảo hiểm PVI cho biết, sẽ bồi thường đầy đủ và đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Ảnh: Việt Hoan |
Theo Chủ tịch IAV, trong thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm đã khẩn trương, tích cực thực hiện trách nhiệm bảo hiểm, các doanh nghiệp đã cử cán bộ xuống tận hiện trường để nắm bắt thông tin thiệt hại, thăm hỏi tình hình khách hàng và kịp thời giải quyết quyền lợi bảo hiểm, tạm ứng bồi thường.
Tính đến thời điểm này, theo thông tin IAV có được, số vụ thiệt hại được các doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận hơn 9.000 vụ tổn thất có yêu cầu bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm tài sản (nhà máy công nghiệp, xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị, hàng hóa), bảo hiểm xe cơ giới… và bảo hiểm nhân thọ, tổng số thiệt hại ước tính lên đến 7.000 tỷ đồng.
Được biết, trong số đó, riêng Bảo hiểm PVI có số thiệt hại đã chiếm đến gần 1/3. Tính đến chiều ngày 11/9/2024 Bảo hiểm PVI đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
“Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng, tuy nhiên, là doanh nghiệp Bảo hiểm Phi nhân thọ dẫn đầu thị trường, với tiềm lực tài chính vững vàng, dự phòng bồi thường đầy đủ và kinh nghiệm xử lý tổn thất chuyên nghiệp, Bảo hiểm PVI sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất…” - Đại diện Bảo hiểm PVI khẳng định.
Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực mà các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang thực hiện trong thời gian qua để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của thiên tai, đặc biệt là trong việc giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định, đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, Chủ tịch IAV Nguyễn Xuân Việt cho rằng, việc này không chỉ giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội của ngành bảo hiểm đối với cộng đồng.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề, khách hàng mua bảo hiểm được bồi thường để khắc phục hậu quả |
“Trong bối cảnh còn nhiều thách thức phía trước, IVA mong rằng các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, duy trì tinh thần đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan để đẩy nhanh quá trình thẩm định, bồi thường thiệt hại. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin và sự an tâm cho khách hàng, qua đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước…”- Chủ tịch IVA bày tỏ.
Đồng thời cho biết, IAV sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giải quyết các vướng mắc và khó khăn, cũng như là cầu nối với Cơ quan quản lý Nhà nước thúc đẩy các chính sách phù hợp liên quan đến hoạt động bảo hiểm.
“Trong quá trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm và khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, nếu có vướng mắc phát sinh, doanh nghiệp hội viên có thể phản ánh về Hiệp hội. Hiệp hội sẽ tổng hợp, báo cáo và xin ý kiến từ các cơ quan quản lý Nhà nước để được tháo gỡ kịp thời…”- Chủ tịch Nguyễn Xuân Việt cho biết thêm.
Ngày 11/9/2024 thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, IVA đã đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm ủng hộ số tiền 500 triệu đồng đến các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, chung tay cùng cả nước hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Được biết, ngay khi có những thông tin thiệt hại ban đầu do bão, IVA đã luôn bám sát diễn biến, nhanh chóng có công văn gửi doanh nghiệp bảo hiểm hội viên, đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chung tay hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai; kịp thời tạm ứng giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng; lưu ý thực hiện theo các ý kiến chỉ đạo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).