Trong phiên chất vấn sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, ô nhiễm nguồn nước… Nhưng hầu hết các câu hỏi này chỉ được lý giải ở mức chung chung, Bộ trưởng chưa đưa ra được giải pháp thỏa đáng.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang |
“Không hy sinh môi trường vì mọi giá”
Về phương hướng giải quyết ô nhiễm làng nghề hiện nay, Bộ Trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Chính phủ đã có chương trình để giải quyết vấn đề ô nhiễm làng nghề, nhưng thực hiện như thế nào còn phụ thuộc vào từng địa phương, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của người dân. Cụ thể hơn, thì “đó là những biện pháp tổng hợp, cần có lộ trình, rất cần sự phối hợp của các địa phương”.
Trả lời câu hỏi về việc các khu công nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về xử lý chất thải, nhưng vẫn được hoạt động (câu hỏi của đại biểu Lê Đình Khanh – Hải Dương), Bộ trưởng cho biết: “Tôi đồng tình với đại biểu là thái độ của chúng ta phải kiên quyết. Quan điểm của chúng tôi là “không hy sinh môi trường vì mọi giá”. “Các đại biểu yên tâm là như vậy”.
Về ô nhiễm sông Hồng, Bộ trưởng nhận định: Sông Hồng đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng, chúng tôi đã biết, và hết sức quan tâm. Vấn đề này là trách nhiệm của cả nước bạn và nước ta.
Không chỉ sông Hồng mà nhiều con sông khác cũng đang bị ô nhiễm đòi hỏi ngành Tài nguyên Môi trường cần có giải pháp, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường chưa có giải pháp rõ ràng, khiến đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) bức xúc: “Chúng tôi đồng ý, vụ nào cũng xử lý theo luật. Nhưng đề nghị đồng chí trả lời chúng tôi là “bao giờ” dân chúng tôi được sống sạch, chứ không phải là bộ trưởng hỏi lại chúng tôi”.
Câu trả lời Bộ trưởng đưa ra vẫn chỉ ở mức: Vấn đề là thời gian.
“Phải thực hiện theo Pháp luật”
Trước chất vấn liên quan đến bức xúc của người dân trong quá trình thu hồi đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang bày tỏ quan điểm chia sẻ bức xúc của đại biểu. Nguyên nhân được Bộ trưởng xác định: “Là do nhiều nơi tổ chức bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất chưa đảm bảo dân chủ, công khai, bình đẳng. Vấn đề xây dựng khu tái định cư, bố trí việc làm cho người bị thu hồi đất cũng còn nhiều thiếu xót. Đồng thời cũng chưa kiên quyết trong việc thực hiện, và không thể phủ nhận là năng lực cán bộ giải phóng mặt bằng nhiều nơi còn hạn chế”.
Cách thức để giải quyết những bức xúc của người dân xung quanh vấn đề này của Bộ trưởng là: “Phải thực hiện theo pháp luật”. “Các địa phương phải cố gắng để giải quyết từng bước một. Chúng tôi sẽ tập trung giải quyết đơn từ tồn đọng”.
Trả lời chất vấn của đại biểu về vụ Tiên Lãng – Hải Phòng, Bộ Trưởng nhận định: Đó là vụ việc rất đáng tiếc, một phần trách nhiệm là của chúng tôi. Chúng tôi cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương cả nước để rà soát lại vấn đề đất ven biển. Vụ Tiên lãng là bài học sâu sắc cho chúng tôi và cho các đồng chí làm việc trong lĩnh vực đất đai”.
Đại biểu Lê Thị Công, Bà Rịa – Vũng Tàu, đưa ra câu hỏi: Sẽ giải quyết như thế nào đối với việc thu hồi các dự án giao đất đã giao?. Bộ trưởng trả lời: “Chúng tôi đang có tổng hợp ở các địa phương, sau đó tham mưu cho Chính phủ để xử lý. Xử lý như thế nào, trình tự như thế nào, đã có luật, hiện nay là có bồi thường, nhưng tới đây, với luật mới, nếu thu hồi sẽ không bồi thường. Tới đây, Chính phủ sẽ có Chỉ thị và chúng tôi sẽ hướng dẫn sớm để các tỉnh thực hiện”.
Xung quanh các vấn đề xây dựng thủy điện, là câu chuyện tái định cư, phục hồi rừng... Bộ trưởng cho biết: “Chủ trương là sẽ nghiên cứu để có chính sách tốt hơn”. Và việc phục hồi rừng thì: “Tới đây tới sẽ có quy định làm thế nào đó để chủ đầu tư phải khắc phục được rừng”.
Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Xuân Cường về đất đối với công dân sinh sau năm 1993, Bộ Trưởng cho biết Trung ương có bàn đến vấn đề này. Và để giữ ổn định xã hội, không nên điều chỉnh lại. Tuy nhiên, lối mở của các địa phương là tự điều chỉnh trong điều kiện cho phép. Ví dụ chủ trương dồn điền, đồi, thửa, các hộ gia đình không còn lao động sử dụng sẽ điều chỉnh đối với các hộ có nhu cầu.
Câu hỏi của đại biểu Trần thị Quốc Khánh (Hà Nội) về vấn đề người dân đóng góp với doanh nghiệp bằng đất được Bộ trưởng trả lời là sẽ tiếp thu, nghiên cứu khi xây dựng luật Đất đai sửa đổi bổ sung.
Chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Minh Trang