13h hôm nay, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 128,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và mạnh thêm. Đến 13h ngày 11/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 160km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, tiếp tục mạnh thêm và đi vào Biển Đông. Đến 13h ngày 12/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 730km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 13.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của bão, từ đêm nay, 10/10, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4-6m; biển động rất mạnh. Rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển đông cấp 3.
Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 13h ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 13.
Trong 72 - 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20-25km, cường độ bão có xu hướng giảm.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, sáng nay, 10/10, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhận định, cơn bão khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khoảng ngày 13-14/10 và có thể gây ra đợt mưa lớn cho các khu vực này các ngày 13-15/10.
Nhiều tỉnh đã có mưa lớn do bão số 7 và thời tiết xấu kéo dài tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng 10 ngày tới, có thể gây nguy hiểm đến dòng người đang hồi hương bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công văn gửi tới TP HCM, Bình Dương, Long An, Bình Dương, nơi có lượng công nhân, lao động các tỉnh lớn, để thông báo cho người dân nắm được diễn biến thời tiết, từ đó cân nhắc thời điểm về quê nhằm tránh được rủi ro.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động ứng phó với bão số 7, đồng thời sớm có kịch bản ứng phó với bão số 8 và diễn biến mưa lũ khó lường. Các địa phương cần bám sát diễn biến bão, đưa ra dự báo về cường độ, hướng đi chính xác, từ đó có chỉ đạo ứng phó sát thực tế hơn.
"Hiện có 26 nghìn người đang đi bộ, đi xe máy, ô tô cần có giải pháp chặt chẽ phối hợp với các địa phương trước khi cơn bão số 8 về, hàng ngày hàng giờ phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành, làm sao bà con đến vùng bão phải dừng lại,giao cho địa phương mời bà con về nhà văn hóa tường học, sau khi kết thúc bão thì di chuyển", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ.
Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đồng thời yêu cầu các địa phương, cấp ngành chức năng cần bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình đê điều xung yếu, cho rà soát, có biện pháp chỉ đạo các địa phương để khi có tình huống xảy ra, hỗ trợ cho bà con thu hoạch trước cơn bão số 8. Bảo đảm an toàn COVID-19, đẩy việc lưu thông đường bộ đường sắt sớm hơn 1-2 ngày.