Báo động dịch sốt xuất huyết trên toàn quốc

Trước thực tế dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) ngày càng diễn biến phức tạp và lan rộng như hiện nay, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế dự báo tháng 9 sẽ là đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết. Cũng theo nhận định của cơ quan quản lý, mưa nắng thất thường kéo dài và ý thức chủ quan của con người vẫn là nguyên nhân chính của sự bùng phát này.

Trước thực tế dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) ngày càng diễn biến phức tạp và lan rộng như hiện nay, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế dự báo tháng 9 sẽ là đỉnh điểm của dịch sốt xuất huyết. Cũng theo nhận định của cơ quan quản lý, mưa nắng thất thường kéo dài và ý thức chủ quan của con người vẫn là nguyên nhân chính của sự bùng phát này. 
Cấp cứu một bệnh nhi bị sốt xuất huyết tại BV Nhi Đồng I
Cấp cứu một bệnh nhi bị sốt xuất huyết tại BV Nhi Đồng I
Dịch bùng phát mạnh và có hiều hướng gia tăng
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2012, cả nước đã ghi nhận gần 39.900 trường hợp mắc SXH. Trong đó các tỉnh phía Nam chiếm tới gần 90% ca bệnh với hơn 35.000 trường hợp mắc, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2011.
Đáng báo động, trong 10 tỉnh, thành có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất cả nước thì phía Nam có tới 9 tỉnh, thành với tỷ lệ mắc hơn 100 ca/100.000 dân. Cũng trong 7 tháng đầu năm, cả nước đã có tổng số 26 ca tử vong do SXH, trong đó miền Nam chiếm tới 81%, đứng đầu phải kể đến TP. HCM và Đồng Nai với 5 ca tử vong tại mỗi địa phương.
Tại TP. HCM, hầu hết các bệnh viện (BV) như Nhi Đồng I; Nhi Đồng II, BV Nhiệt đới TP. HCM… đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân (BN) SXH. Theo thống kê của BV này thì, số người lớn bị SXH nặng trong mùa dịch năm nay tăng so với những năm trước, đã có nhiều trường hợp thai phụ mắc SXH dẫn đến sẩy thai, thai chết lưu, sinh non…
Đặc biệt, trong tổng số BN đang điều trị nội trú có đến 90% trường hợp rơi vào giai đoạn bệnh cảnh báo và 6% bệnh ở giai đoạn nặng. BV Nhi Đồng I và BV Nhi Đồng II mỗi ngày cũng điều trị nội trú cho từ 120 -200 ca SXH và đã có tổng số 14 ca tử vong từ đầu năm đến nay.
Theo BS Nguyễn Trần Nam - Phó khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng II, số lượng bệnh nhi nhập viện tương đương mùa dịch SXH của các năm trước nhưng số ca bệnh nặng đã tăng 20%, tập trung ở lứa tuổi 4-5 tuổi. Tương tự, tại BV Nhi Đồng I, theo các BS cho biết, năm nay, số ca SXH tăng khoảng 5% và ngày càng có dấu hiệu gia tăng mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, trong đó, tỷ lệ sốc chiếm đến 15%.
Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, dịch bệnh cũng bắt đầu có chiều hướng gia tăng. ThS – BS. Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, BV Nhiệt đới Trung Ương cho biết, so với các thời điểm khác trong năm thì đây là thời điểm số lượng BN vào sẽ tăng lên rất nhiều. Bởi theo quy luật, đỉnh dịch sẽ vào khoảng tháng 9 và 10 và 11, sau đó thời tiết lạnh, số lượng BN giảm dần và hết vào khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1.
Cũng theo BS Lâm, nếu như các tháng trước chỉ có rải rác khoảng 4-5 ca bệnh, thì từ đầu tháng 8 đến nay mỗi ngày BV tiếp nhận tới gần chục ca mỗi ngày. Các ca bệnh chủ yếu là SXH thể thông thường, tỷ lệ ca nặng thấp, chưa có trường hợp nào tử vong.
Tuy nhiên, so với các vụ dịch trước, năm nay có một điểm hơi khác về bệnh cảnh, đó là thời gian tiến triển của bệnh từ thời kỳ khởi phát, thời kỳ toàn phát đến lúc lui bệnh có vẻ dài ra. Cụ thể, những năm trước sốt ngày thứ 3,5 tiểu cầu giảm rất nhiều, giảm rõ nhưng năm nay có trường hợp ngày thứ 6,7 thậm chí thứ 8, sốt bắt đầu xuống, lúc đó tiểu cầu mới hạ nhiều, triệu chứng của bệnh mới rõ. Thời gian phục hồi tiểu cầu trong máu cũng dài hơn, có trường hợp đến 10 ngày.
Giải pháp chính vẫn là phòng bệnh
Có một thực trạng đang tồn tại khá phổ biến ở nhiều địa phương là hiện nay người dân cho rằng dịch sốt xuất huyết là loại dịch quen thuộc, năm nào cũng xảy ra nên địa phương và người dân chủ quan, thờ ơ trong việc tự giác diệt muỗi, lăng quăng… để phòng bệnh, chỉ đến khi dịch bùng phát mới vào cuộc chữa cháy – ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận xét.
Chính bởi vậy, theo ông Dương, biện pháp chính hiện nay vẫn là phòng bệnh. Cùng với đó, phải tích cực tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh. 
ThS. Nguyễn Tiến Lâm cảnh báo, người lớn khi mắc bệnh thường chủ quan, không nhập viện ngay mà tự mua thuốc điều trị nên bệnh tiến triển nặng hơn. Bởi vậy, khi nhập viện, việc điều trị các BN này rất khó khăn, việc hồi phục sức khỏe cũng chậm hơn.
BS Lâm khuyến cáo, BN cần sớm đến BV khi thấy các dấu hiệu như: Sốt trên hai ngày, sốt cao liên tục, uống thuốc vẫn không hạ sốt, nhức xương khớp, da sung huyết. Khi bệnh trở nặng, người lớn thường bị chảy máu răng, tổn thương gan, suy đa tạng…
Lưu ý, người bệnh không đợi đến khi có những chấm xuất huyết nổi dưới da mới nhập viện vì đó chỉ là một trong những dấu hiệu của bệnh SXH. Hơn nữa, ở một số người khi mắc SXH lại không nổi chấm xuất huyết. Mặt khác, SXH dễ nhầm với các bệnh cảm, đau nhức trong những ngày đầu mới mắc bệnh.
Trà Long

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...