Cần có giải pháp hữu hiệu, triệt để với vấn đề khiếu nại, tố cáo
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của người dân trong thời gian qua là vấn đề khiếu kiện của người dân có xu hướng gia tăng. Trong thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tuy khiếu kiện có giảm nhưng vấn đề này chưa được giải quyết triệt để, chưa hiệu quả. Có thể thấy, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã và đang rất nỗ lực, bỏ nhiều công sức nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Theo ông Thịnh, khi kinh tế - xã hội phát triển thì mâu thuẫn, tranh chấp kinh tế ngay trong hộ gia đình hay trong xã hội là không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là khi có mâu thuẫn, tranh chấp thì cần giải quyết như thế nào, giải pháp ra sao? Đây là vấn đề lớn và cần được nghiên cứu, xem xét kỹ - kể cả vấn đề vi phạm pháp luật và tội phạm ngày càng gia tăng. Do vậy, cần có những giải pháp hữu hiệu, triệt để với vấn đề này. Bên cạnh đó, nhiều người dân không am hiểu về pháp luật, dẫn đến khiếu kiện không phù hợp với quy định của pháp luật.
Mặt khác, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng chưa giải quyết triệt để khiếu kiện của người dân, dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc kéo dài. Trong đó, có một phần xuất phát từ một số cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực nhưng chưa bị phát hiện, xử lý gây mất niềm tin của nhân dân với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó là thể chế, kinh tế - xã hội phát triển rất nhanh, dẫn đến một số quy định pháp luật hiện hành không theo kịp với sự phát triển…
Từ thực tế trên, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị, cần xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và tương xứng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của tổ chức và của Nhà nước, qua đó góp phần tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian đại dịch kéo dài, giữ gìn an ninh trật tự, ổn định xã hội trong thời gian tới.
Thể chế phòng chống tham nhũng phải minh bạch, công khai
Đồng tình với Dự thảo báo cáo, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, nội dung của Dự thảo báo cáo đã có sự tổng hợp toàn diện, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của tầng lớp nhân dân… Tuy nhiên, bà Nga đề nghị, dự thảo cần phản ánh đậm nét hơn sự lo lắng của cử tri trước những sự việc bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em trong thời gian vừa qua. Cử tri rất mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan đến vấn đề này; đồng thời đề nghị các cấp ủy chính quyền địa phương phải có giải pháp cụ thể để vận động xã hội tích cực tham gia vào công tác phòng, chống, phát hiện sớm các vụ việc, tránh tình trạng các việc, vụ việc kéo dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây nhiều hệ lụy.
Cho rằng cử tri, nhân dân rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực… Tuy nhiên, theo bà Hà Thị Liên - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam - cử tri cũng vô cùng bất bình với vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, đó là điều không thể chấp nhận. Bên cạnh đó, người dân rất bức xúc về việc nhiều cán bộ cấu kết với doanh nghiệp lợi dụng chính sách để làm giàu từ đất đai. Nguồn lực đất đai chưa được sử dụng đúng mục đích, đây là vấn đề lớn cần được xử lý. Ngoài ra, các vụ án liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, vi phạm pháp luật trong mua bán trái phiếu doanh nghiệp… cũng cần được xử lý nghiêm, nhân dân không chấp nhận các doanh nghiệp lớn lại làm ăn phi pháp.
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam |
Đánh giá cao các ý kiến tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ 3 sắp tới của Quốc hội. Đồng thời, “phải đề cao hơn nữa trách nhiệm đầu tư trí tuệ, tập trung cho Báo cáo này để làm sao thể hiện được đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước, kiến nghị những vấn đề xác đáng, giải quyết những vấn đề sát sườn liên quan đến quyền lợi của nhân dân”, ông Chiến nhấn mạnh...
Liên quan đến vấn đề vấn đề PCTN, tiêu cực, ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, nhiều ý kiến bày tỏ sự quan ngại với hiện tượng các bị can trốn ra nước ngoài vẫn tiếp diễn và ngày càng khó khăn hơn. Do đó, trong Báo cáo cần có cách thể hiện vấn đề này như thế nào để giải quyết được những dấu hiệu khó khăn trong PCTN, tránh để tiếp diễn tình trạng này trong thời gian tới.
Còn ông Thạch Dư, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị, cần có cơ chế, cách thức để ngăn ngừa tham nhũng; phải rõ từng đối tượng, lĩnh vực để phòng tham nhũng, nếu không sẽ chỉ chạy theo để chống tham nhũng. “Thể chế phải bảo đảm minh bạch, công khai, không để cho người ta tham nhũng thì mới hiệu quả”, ông Thạch Dư nói.