Mặc dù các trường chất lượng cao, lớp chất lượng cao “mọc” lên khắp nơi, đáp ứng nhu cầu của người học theo từng khả năng. Tuy nhiên, tới nay việc xác định thế nào là chất lượng cao vẫn là một khái niệm mơ hồ. Và học phí ở các trường này đương nhiên luôn “nhảy vọt”, năm sau cao hơn năm trước...
Khó có “thước đo” cho trường chất lượng cao?. Ảnh minh họa: MH |
Nhìn nhau để... “lên”
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Phạm Văn Đại đánh giá: “Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học trong xã hội cũng như nhu cầu nguồn chất lượng cao cho phát triển đất nước, rất cần phát triển các mô hình trường mới mà trong đó nội dung, phương thức cũng như các điều kiện để tổ chức hoạt động giáo dục có chất lượng tốt theo hướng tiếp cận các chuẩn giáo dục của các nước tiên tiến, nhằm tạo ra các sản phẩm giáo dục chất lượng cao (CLC).
Tuy nhiên, để xây dựng bộ khung tiêu chí đảm bảo 3 yếu tố này là việc rất khó khăn. Và, việc xác định như thế nào là CLC cũng còn là một khái niệm khá “mơ hồ””.
Đứng ở góc độ đơn vị thực hiện, TS.Nguyễn Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm lại cho rằng, dù đã thực hiện mô hình CLC từ lâu nhưng mục tiêu của trường không phải là có bao nhiêu học sinh đỗ vào ĐH, hay khá giỏi mà là “giúp các trò ngày càng tiến bộ”. Điều này cho thấy, CLC không nhất thiết phải có một cái “chuẩn đầu ra” như Sở GD&ĐT yêu cầu là phải có 90% học sinh khá giỏi trở lên. Không chỉ đặt ra yêu cầu phải học giỏi mà quan trọng là khả năng, kỹ năng sống của học sinh khi ra xã hội.
Còn bà Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Đoàn Thị Điểm, lại cho rằng ngoài các yếu tố như Sở đã quy định, để là “trường chất lượng cao” thì nội dung chương trình của tiểu học phải theo chuẩn của Bộ GD&ĐT cùng với chương trình riêng của trường, có thông qua Sở như chương trình tiếng Anh tự chọn của trường.
“Khi chuyển sang đào tạo CLC, trường Đoàn Thị Điểm đã tiến hành đào tạo thành các lớp song ngữ. Hiện ở trường có 3 mô hình: các lớp song ngữ, đào tạo theo chương trình quốc tế và các lớp tiếng Anh tự chọn. Nhưng các lớp tiếng Anh tự chọn trường chỉ có 9/94 lớp và năm nay sẽ kết thúc. Do đó, từ năm sau, trường chỉ còn hai mô hình” - bà Hiền cho biết.
Sự đa dạng về mô hình CLC cũng cho thấy các trường đứng cạnh nhau, cùng đào tạo cấp học nhưng sẽ không “triệt tiêu” nhau. Theo ông Hòa, trường CLC có 3 đặc trưng cơ bản là hiện đại, khác biệt cao và tôn trọng sự đa dạng. Sở cần phải chấp nhận màu sắc riêng, đặc trưng của từng trường và tạo điều kiện cho các trường phát triển. Nhưng tất nhiên cũng cần có một “cái gương” chung để cho các trường soi.
Học phí cần có lộ trình?
Là câu hỏi được Phó Giám đốc Phạm Văn Đại đưa ra và bà Phan Lan Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non nhìn nhận: “Cái khó hiện nay là giữa trường công và trường tư đang có sự chênh lệch khá lớn. Nếu ở trường công được nhà nước hỗ trợ về đất, tài chính... thì ở trường tư lại phải đi thuê. Chính vì thế mức học phí của trường tư có thể là cao nhưng chưa chắc con em phụ huynh được học trong môi trường giáo dục CLC. Chính vì thế cần phải có những chính sách để hỗ trợ cho trường tư”.
Khi tiến hành mô hình trường CLC, ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng kinh phí là vấn đề khó dự trù, nhất là đối với các trường ngoài công lập. Học phí của trường đang là 2 triệu đồng/tháng nhưng đến năm 2015, dự kiến sẽ là 4 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cũng cho biết, học phí của trường hiện nay là 40 triệu đồng/năm, trong tương lai gần là 60 triệu đồng/năm.
Đối với các trường công lập, khi muốn chuyển sang mô hình CLC không phải dễ. Ông Phạm Văn Đại cho biết, để thực hiện mô hình này, trước hết, các trường công phải chuyển sang mô hình công lập tự chủ tài chính. Nhưng các trường này được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất nên có lợi hơn trường tư vì vậy khi đăng ký thực hiện mô hình CLC, các trường phải công khai mức học phí và mức học phí này phải thấp hơn các trường tư cùng thực hiện mô hình. Nhưng việc thu học phí cao ở trường công là điều rất khó khăn. Bởi từ trước đến nay người dân vẫn nghĩ trường công là được “bao cấp”.
Bà Lê Thị Oanh - Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thừa nhận, khi thực hiện mô hình này trường gặp khó khăn về kinh phí. Học phí học sinh đóng hiện nay là 550.000 đồng/tháng phụ huynh đã kêu rất nhiều. Nên có lộ trình thay đổi học phí 3 năm/một lần đối với bậc THPT.
Tương tự, bà Vũ Ngọc Dự - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mai Dịch (trường chuyển đổi sang mô hình CLC từ 3 năm nay) cho biết, trường cũng vấp phải khó khăn trên và thừa nhận, việc đầu tư cho cơ sở vật chất phải được làm “mạnh tay” hơn các trường công rất nhiều, thế nhưng rào cản lớn nhất hiện nay lại là vấn đề học phí. Và để tránh tình trạng phụ huynh bức xúc thì trường phải có chiến lược rõ ràng, dài hơi. Mức học phí công bố công khai, đồng thời lộ trình tăng học phí cũng được đưa ra để phụ huynh có định hướng lựa chọn cho con theo học.
Uyên Na