Cụ thể, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Tổng cục QLTT báo cáo cụ thể diễn biến toàn bộ quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH sản xuất thương mại và thiết bị Quốc Bảo.
Đồng thời yêu cầu Tổng cục QLTT đánh giá với việc thực thi nhiệm vụ của Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh và Đoàn công tác của Tổng cục QLTT theo quy định của pháp luật, đưa ra những kiến nghị, đề xuất.
Văn bản của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia gửi Tổng cục Quản lý thị trường. |
Theo thông tin Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhận được từ thông tin trên Chương trình “Chống buôn lậu, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng” của Đài truyền hình Việt Nam có phản ánh: ngày 4/3, Tổng cục QLTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra Công ty Quốc Bảo có địa chỉ tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đang sản xuất hàng trăm ngàn khẩu trang màu xanh, trắng, gồm 4 lớp vải không dệt…
Công ty TNHH sản xuất thương mại thiết bị Quốc Bảo chưa được cấp phép sản xuất khẩu trang y tế. Vậy nhưng trên trang web bán hàng, DN này quảng cáo là khẩu trang y tế dưới mác hàng kháng khuẩn. Hành vi gian dối này vừa bị Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh xử phạt.
Qua kiểm tra cho thấy, công ty này không chi vi phạm về việc quảng cáo trên website, mà còn có dấu hiệu của việc sản xuất hàng giả. Khi trên nhãn mác bao bì, DN ghi là khẩu trang kháng khuẩn, nhưng quá trình giám sát của cơ quan chức năng cho thấy, nguyên liệu dùng để sản xuất không có chức năng kháng khuẩn như trên nhãn mác.
Theo phản ánh trong phóng sự của chương trình, những hình ảnh phóng viên ghi được tại thời điểm đoàn công tác của Tổng cục QLTT có mặt ở một địa điểm đóng gói của Công ty Quốc Bảo, rất nhiều người, đủ mọi lứa tuổi đang đóng gói từng bó khẩu trang vào các vỏ hộp có in chữ khẩu trang kháng khuẩn cao cấp Quốc Bảo.
Cảnh tượng này diễn ra trước sự chứng kiến của chính lãnh đạo Đội QLTT số 4, phụ trách địa bàn huyện Gia Bình và lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên điều khó hiểu là, trước nhiều dấu hiệu vi phạm của DN như vậy, tại thời điểm phát hiện, cơ quan QLTT trên địa bàn không lập biên bản xử lý vi phạm và thu giữ, niêm phong tang vật làm bằng chứng sau này. Thậm chí, 2 ngày sau đó, Đội QLTT số 4 còn cho DN được tự hủy đi những chứng cứ vi phạm của mình bằng văn bản tự cam kết.
Ban 389 yêu cầu Tổng cục QLTT gửi Báo cáo về Văn phong thường trực theo chế độ báo cáo nhanh trước ngày 17/3/2020.