Là thầy thuốc trưởng thành từ thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhiều năm điều trị các bệnh dị ứng, mẩn ngứa cho bộ đội trong rừng, sau nhiều năm trải qua quá trình tự mày mò nghiên cứu, ông đã phát triển bài thuốc điều trị mẩn ngứa để sáng tạo ra bài thuốc chữa vẩy nến hiệu quả từ 18 loại cây rừng. Đó là lương y Ngô Viết Tài (SN 1950, ngụ xóm 3, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Ông Ngô Viết Tài |
Nỗi ám ảnh của bệnh nhân vẩy nến
Có trên 40 năm theo nghiệp bốc thuốc nam, ông Tài cho rằng vẩy nến là loại bệnh khó chữa nhất trong các dạng bệnh ngoài da. Do cuộc sống tiếp xúc với nhiều hòa chất, đồng thời môi trường sống ngày càng bị ô nhiễm nên đây được coi là một căn bệnh kinh niên. Theo ông Tài, bệnh vẩy nến là do sự rối loạn điều tiết tạo nên một màng ngăn bám chặt trên da. Màng bám này sản sinh tế bào nhanh gấp 10 lần so với bình thường rồi chết.
Nhưng thay vì mất đi như tế bào chết bình thường thì nó nổi lên thành từng vẩy trắng. Còn có một nguyên nhân khác dẫn đến việc bệnh dai dẳng là do chức năng gan của bệnh nhân kém. Khi “nhà máy lọc hóa chất” này kém sẽ dẫn đến nhiều bệnh, trong đó vẩy nến. Đây loại bệnh khó chữa, , cả đông y và tây y đều đánh giá đây là bệnh nan y. Dân gian xưa nay vẫn gọi bệnh này là bệnh “ba không”: Tức “không chết”, “không lây” và “không chữa khỏi”.
Bệnh nhân mắc bệnh này thường ngứa ngáy rất khó chịu, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt và công việc, mặc cảm bởi những vẩy nến thiếu thẩm mỹ, đặc biệt là đối với phái nữ. Trong ẩm thực, người mắc bệnh này cũng chịu nhiều “thiệt thòi” khi phải kiêng những đồ ăn như: Tôm, cua, nhộng, thịt chó, đặc biệt là các chất có cồn như rượu bia. Bệnh thường được biểu hiện ở hai dạng: Dạng khô và dạng nước. Dạng khô là những vảy nổi lên như dạng đồng xu, giống như bệnh hắc lào, khi ngứa gãi bong vẩy. Còn dạng nước khi gãi chảy nước khiến người bệnh rất khó chịu.
Theo lương y Tài, cũng như nhiều bệnh mẩn ngứa khác, bệnh nhân bị vảy nến mỗi ngày trải qua ba giai đoạn. Vào buổi sáng được coi là thời gian an toàn nhất trong ngày khi độ ngứa ngáy, khó chịu gần như không có. Đến buổi chiều ngứa ngáy rõ nét và buổi tối hiện tượng ngứa thực sự trở thành “cơn ác mộng” với bệnh nhân. Đặc biệt khi đắp chăn, thân nhiệt tăng lên sẽ càng làm cho mức độ ngứa ngáy càng thêm khó chịu.
Ông Tài bên vườn thuốc nam |
Bài thuốc thần kỳ
Ông Tài tâm sự vốn chỉ chuyên về chữa bệnh dị ứng, ngứa lở bình thường nhưng hàng chục năm tiếp xúc với người bệnh, nỗi trăn trở lớn nhất của ông là làm sao giúp những bệnh nhân chịu sự dày vò của bệnh vẩy nến. Qua nhiều năm chữa bệnh và tự đúc rút kinh nghiệm, đến năm 2011 ông đã tự chế ra phương thuốc chữa bệnh vảy nến từ 18 loại cây lá rừng.
Trước đây chữa bệnh mẩn ngứa cơ địa bình thường, bài thuốc của ông chỉ có 14 vị thuốc. Nhưng dể chữa vẩy nến, ông đã tìm tòi nhiều năm và trong quá trình đó đã bổ sung thêm bốn vị thuốc khác. Bài thuốc chữa vẩy nến của ông gồm 18 vị thuốc kết hợp, trong đó có những vị thuốc đơn giản như: Bồ công anh, Thổ phục linh, Kinh giới, Nhân trần, Vỏ cây gạo, Rau má, Cải trời, Màn trầu, Đơn tướng quân, Khổ sâm… Trong đó, Bồ công anh và Kim ngân được cho là hai vị thuốc “quan trọng số một”.
Bài thuốc chữa vẩy nến của ông bao gồm hai dạng: Dạng cao và dạng thang. Ở dạng cao đó là sự kết hợp của các vị thuốc đem nấu đặc chế thành cao thảo mộc. Với dạng thuốc này, bệnh nhân dùng cao kết hợp với chè. Cụ thể vị thầy thuốc này hướng dẫn như sau: Trước tiên, bệnh nhân dùng lá chè tươi già hoặc 5 mớ rau kinh giới đun sôi, cho cục phèn chua bằng ngón chân cái hay một nhúm muối vào rồi đổ ra thau. Sau khi để nguội bệnh nhân sẽ dùng nước này để tắm.
Điều chú ý là khi tắm, không được pha nước lã vào chậu thuốc tắm mà để nước nóng đun sôi nguội đến độ ấm ấm thì tắm. Nếu pha nước lã sẽ làm cho hiệu quả của thuốc giảm đi. Sau khi tắm xong bệnh nhân lúc này mới uống cao. Mỗi ngày uống 3 thìa thuốc vào thời gian trước khi ăn lúc sáng, trưa và tối. Để bài thuốc thêm phần hiệu quả, ông tài khuyên bệnh nhân nên xoa bóp kết hợp với những loại thuốc tân dược theo phương pháp kết hợp “trong uống ngoài xoa”.
Đối với phương pháp uống thuốc dạng thang, sau khi khám bệnh xong bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc với 18 vị thuốc. Tùy thuộc vào độ nặng nhẹ của bệnh mà có cách kê đơn khác nhau. Sau khi có đơn thuốc, bệnh nhân sẽ sử dụng đối với một thang thuốc như sau: Ban đầu đổ tám bát nước lã vào đun cạn đến khi còn một bát thuốc rồi uống. Lần thứ hai đổ bảy bát nước đun cạn còn một bát thuốc rồi uống. Lần cuối đun sáu bát nước, sau khi sôi sẽ đổ nước thêm vào rồi cho thêm phèn chua, muối trắng đun lên rồi tắm như với thuốc dạng cao.
Theo lương y Ngô Viết Tài, trong thời gian chữa trị bệnh nhân phải tuân thủ chế độ ăn uống kiêng khem ngặt nghèo. Đặc biệt không được đụng đến các đồ ăn thức uống có cồn, có tính nóng, hải sản, thịt gà. Khuyến khích ăn những món chứa nhiều chất xơ, hoa quả, những đồ ăn có tính mát. Bệnh nhân phải kiên trì không được nóng vội, thời gian chữa trị có thể kéo dài từ 5 - 7 tháng sẽ đem lại hiệu quả đến hơn 90%.
Ông Tài nhớ lại, từ năm 17 tuổi, sau khi học hết cấp 3 ở vùng quê nghèo Hà Nam, ông đã khăn gói lên Hà Nội học nghề thầy thuốc, hành trang chẳng có gì ngoài ít tem phiếu tiêu chuẩn mua gạo và chiếc mũ đã rách sờn. Theo thầy học nghề thuốc Nam, rồi ông theo thầy vào chiến trường phụ giảng hàng trăm lớp học, góp công đào tạo hàng ngàn thầy thuốc dân tộc, đáp ứng tiêu chí khi đó là “Thầy tại chỗ thuốc tại chỗ trên chiến trường”. Miền Nam giải phóng, với lòng đam mê nghề, ông dành thời gian nhiều năm vào khảo sát cây thuốc tại Đà Lạt, ngược Bắc Giang góp công thành lập Tỉnh hội đông y tỉnh Bắc Giang, lên Vĩnh Phú khảo sát và góp công thành lập Tỉnh hội đông y Vĩnh Phú (Nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ).
Có không ít đóng góp nhưng lương y Tài chỉ khiêm tốn: “Chữa khỏi cho bệnh nhân là niềm vui của người thầy thuốc”. Nói đi đôi với làm, khi còn làm việc ở Hợp tác xã thuốc dân tộc Chùa Bộc, lương y Tài đã đề xuất và thực hiện chương trình miễn giảm cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, những người neo đơn.
Số tiền không nhiều nhưng với người bệnh thì đó là “phương thuốc tinh thần”, phần nào xoa dịu nỗi đau bệnh tật. Với việc tự mày mò nghiên cứu điều chế thành công phương thuốc chữa vẩy nến, ông coi đó là “một trong những thành công nhất trong cuộc đời y nghiệp vì đã thỏa mong mỏi giúp ích cho người bệnh”.
Trịnh Ninh