Theo Zing, Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa trưởng khoa Thận nhân tạo, (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: “Khi nhận được thông tin, chúng tôi nhận định đây là tai biến y khoa nghiêm trọng xảy ra trong lọc máu. Với trách nhiệm của những người đi đào tạo, giúp đỡ, chúng tôi gửi lời chia buồn tới các gia đình nạn nhân gặp sự cố này”.
“Trên thế giới, lọc thận nhân tạo có khá nhiều biến chứng xảy ra, nhưng chỉ xảy ra đơn lẻ do các sự cố, thỉnh thoảng xảy ra với một số bệnh nhân chứ không trầm trọng thế này. Thực hiện kỹ thuật lọc thận nhân tạo có nhiều khâu, vật tư kỹ thuật liên quan… Để tìm nguyên nhân, chúng tôi nhận định phải tập trung ngay lập tức. Chúng tôi cũng xin ý kiến các thầy ở bệnh viện để sớm tìm nguyên nhân khắc phục”, bác sĩ Dũng nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch, hiện tại có 10 bệnh nhân hoàn thành quá trình lọc máu, chỉ số sinh tồn bình thường. Còn 2 bệnh nhân hồi sức nặng đang được tập trung bằng mọi phương tiện, kể cả thuốc đặc biệt quý hiếm của Bệnh viện Bạch Mai mang lên.
“Chúng tôi tính nhiều khả năng xảy ra và cũng không khẳng định được nguyên nhân nào. Bệnh nhân hiện tại cần gì, chúng tôi điều trị cách đó. Đây là chuyện hy hữu. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức cho các bệnh nhân”, bác sĩ Nguyên nói.
TS Đào Xuân Cơ, phó Trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Với tư cách chuyên gia, tôi tiên lượng những bệnh nhân ấy khi di chuyển lên Hà Nội sẽ hết sức khó khăn, vì hôm nay họ chưa được chạy thận. Vì vậy, mọi thứ cần được chuẩn bị chu đáo”, TS Cơ cho hay.
Trao đổi với Vietnamnet, GS Nguyễn Nguyên Khôi (từng gần 30 năm làm Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai) cho biết, suốt từ khi bắt đầu triển khai chạy thận nhân tạo từ năm 1972 đến nay, trường hợp tử vong khi đang chạy thận tại Việt Nam là có, nhưng chưa từng có chuyện tử vong tập thể như tại Hoà Bình hôm qua.
Theo GS Khôi, những trường hợp tử vong thường do trên nền các bệnh cảnh có sẵn, hay gặp nhất là các biến chứng về tim mạch như tăng huyết áp, ngừng tim do nhồi máu cơ tim... vì cơ thể không thích nghi ngay được.
“Gần 5% các ca tử vong khi chạy thận nhân tạo là do biến chứng về tim mạch sau đó mới đến các rối loạn chuyển hoá”, GS Khôi nói.
GS Khôi cho biết, lọc thận chu kỳ có quy trình hết sức chặt chẽ, mỗi bệnh nhân sẽ chạy 3 ca/tuần, mỗi ca từ 3-4 tiếng.
Bước 1: Nhân viên y tế sẽ chuẩn bị máy móc.
Bước 2: Lắp đường máu và đường dịch cho bệnh nhân
Bước 3: Bệnh nhân bắt đầu lọc máu. Y tá sẽ theo dõi, ghi chép từng chứng năng sống của bệnh nhân về mạch, huyết áp, đường thở.
B4: Kết thúc
GS Khôi cho hay, trong lọc thận nhân tạo, đường máu và đường dịch chia riêng. Đường máu sẽ có quả lọc. Theo nguyên tắc, hàng ngày, nhân viên sẽ phải dùng hoá chất để sát trùng quả lọc, sau đó rửa sạch.
“BV đa khoa Hoà Bình đã làm cả 10 năm thì không thể không biết rửa. Nếu rửa không sạch cũng chỉ tử vong 1-2 người chứ không thể hàng loạt vậy được”, GS Khôi phân tích.
Theo đó GS cho rằng nguyên nhân khiến 6 bệnh nhân chạy thận tại Hoà Bình tử vong có thể là do đường dịch. Trong đó do dịch hoặc nước pha dịch chứ không thể nói do sốc phản vệ.
“Để pha dịch đậm đặc, phải sử dụng loại nước đặc biệt, bằng ít nhất 95% nước chưng cất. Nếu nước xử lý không tốt hoặc chất lượng dịch không đảm bảo sẽ khiến nhiều bệnh nhân gặp biến chứng”, GS Khôi nhấn mạnh.
Một chuyên gia khác cũng cho rằng, nếu sốc phản vệ thì chỉ 1-2 trường hợp do phản ứng với thuốc, hoá chất, bệnh nhân sau đó thường có biểu hiện rét run, khi đó bác sĩ sẽ ngừng lọc máu để cấp cứu.
Tuy nhiên, với trường hợp tử vong hàng loạt thì cần nghĩ đến hệ thống xử lý nước, quy trình rửa quả lọc, liệu có tồn dư hoá chất hay không.
Ông nghi ngờ trong quá trình sát trùng hệ thống nước, nhân viên bệnh viện đã để lại lượng hoá chất tồn dư cao, là nguyên nhân gây ra sự việc đáng tiếc.
Trong y văn, sốc do hóa chất sát khuẩn trong hệ thống nước có thể xảy ra, với tỉ lệ 5% trong lọc máu. Các ca sốc trong chạy thận thỉnh thoảng cũng xảy ra tại Việt Nam nhưng lẻ tẻ, chưa bao giờ xảy ra đồng loạt./.