Bác sĩ cảnh báo: Oresol - uống sai bệnh thêm nặng

Bác sĩ cảnh báo: Oresol - uống sai bệnh thêm nặng
(PLO) -   Tình trạng nhiều trẻ nhập viện cấp cứu do cha mẹ bất cẩn cho con uống Oresol sai cách đã xảy ra từ vài năm trước. Đã không ít lần các bác sĩ lên tiếng cảnh báo về tình trạng này, tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ vẫn lơ là chủ quan, thiếu hiểu biết, tình trạng trẻ nhập viện vì uống Oresol sai cách vẫn thường xuyên xảy ra.

Oresol được sử dụng khá phổ biến, nhất là với các bệnh nhi, khi trẻ bị tiêu chảy, sốt hoặc nôn, cha mẹ thường hay sử dụng loại thuốc này để bù nước và điện giải. Tuy nhiên, đa phần mọi người đều nghĩ rằng Oresol rất dễ sử dụng, bởi đơn giản chỉ với những thao tác mua về, xé gói bột, pha nước và uống là xong. Chính từ những sự nghĩ đơn giản đó đã vô tình khiến nhiều trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bởi theo các chuyên gia Oresol pha đặc một chút cũng hại, pha loãng một chút cũng nguy. 

Mới đây, bé Quốc Nam (3 tuổi, ở Hà Nội) bị tiêu chảy cấp dài ngày. Khám tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) được bác sĩ kê đơn có uống Oresol hàng ngày, chị Lê (mẹ bé Nam) ra hiệu thuốc mua thì được tư vấn nên dùng loại thực phẩm chức năng Oresol dạng ống, nghe theo sự tư vấn chị Lê mua về và cho con uống hàng ngày. Kết quả sau 2 ngày, con chị mệt lả, lơ mơ, tay chân run cầm cập, co giật, mất nước trầm trọng. Khi trở lại viện để cấp cứu, con chị đã trong tình trạng trụy mạch.

Thực tế, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) từng tiếp nhận một bệnh nhi ngộ độc muối do người nhà cho uống Oresol quá đậm đặc, không đúng quy định khiến trẻ bị phù não cấp tính nặng. Trước đó, bệnh nhi bị tiêu chảy và nôn ở nhà, mẹ bé đã cho con uống hết hơn 3 gói Oresol bằng cách pha từng ít một ra chén và cho con uống liên tục vì thấy con vẫn khát. Không chỉ riêng đối với bệnh nhi, trên thực tế, nhiều người lớn vẫn duy trì thói quen sai lầm này.

Chị Nguyễn Ngọc Huyền cho biết: “Oresol vốn khá khó uống vì mặn mặn xen lẫn vị lợ lợ, uống thấy vị rất ngang nên mỗi khi phải uống tôi pha thật đặc để uống một lần cho đủ, hạn chế phải uống nhiều. Cứ nghĩ miễn uống đủ số lượng Oresol bác sĩ quy định trong một ngày là được, đâu ngờ cần phải uống đủ theo định mức pha đã được quy định”. 

Trước những thói quen, suy nghĩ, sự lầm tưởng tai hại của nhiều người dân, PGS.TS Nhi khoa Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Oresol giúp bù nước, điện giải khi bệnh nhân mất nước vì đi ngoài. Vì vậy, mỗi khi bệnh nhân bị tiêu chảy, bác sĩ phải kê đơn có Oresol để bù lại nước. Oresol được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất giúp trẻ phục hồi. Hiện nay, các hãng dược sản xuất Oresol với nhiều hàm lượng khác nhau: Gói pha với 1 lít nước, pha với 500ml và pha với 200ml để phù hợp với từng đối tượng. Mỗi khi đi ngoài vì tiêu chảy, bệnh nhân phải uống hàng trăm ml Oresol để bù nước, điện giải bị mất đi.

Trên thực tế, Oresol có mùi vị khó chịu nên rất nhiều trẻ không chịu uống. Do đó, nhiều cha mẹ đã phá cách, pha đặc hơn với lượng nước rất ít, có khi chỉ bằng một chén nước nhỏ so với hướng dẫn và cho con uống.

Ngoài ra, không hiếm để bắt gặp tình trạng những ông bố, bà mẹ lấy 1/2, 1/3,… gói thuốc Oresol rồi tự nhẩm tính ra số nước cần pha tương ứng với số thuốc. Chính từ những sự “sáng tạo” này đã gây ra sự nguy hiểm cho trẻ bởi nếu Oresol được pha đặc hơn so với khuyến cáo thì sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên.

Do nồng độ muối quá cao nên áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, khiến tế bào bị mất nước bị “teo” lại. Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng... Nguy hiểm nhất là khi tế bào não bị “teo”, gây tổn thương não khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích nặng hơn nữa thì hôn mê... Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong. Ngược lại, khi pha quá loãng Oresol sẽ không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi.

Do đó, các bác sĩ luôn khuyến cáo các bậc cha mẹ hãy mua thuốc theo đúng đơn thuốc của bác sĩ cấp. Ngoài ra, tuyệt đối phải đọc kĩ hướng dẫn cách dùng, liều lượng... Cụ thể, nếu gói Oresol theo hướng dẫn pha với 200ml thì cần pha chính xác 200ml nước, pha đúng tỷ lệ hướng dẫn in trên bao bì sản phẩm sau đó cho trẻ uống từng ít một, nhiều lần trong ngày, thuốc đã pha tuyệt đối chỉ được sử dụng trong 24h, có như vậy mới đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp cho trẻ. 

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không được đun sôi dung dịch đã pha để làm ấm cho con dễ uống, dùng nước đun sôi để nguội để pha theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, khuấy tan thuốc trong nước rồi mới uống. Không được pha với sữa, nước canh, nước trái cây hoặc nước ngọt... và tuyệt đối không cho thêm đường, không nên tự ý “sáng tạo” theo cách riêng của mình tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...