Triệt phá đường dây mua bán phụ nữ “mê” lấy chồng ngoại
Bùi Thị Tuyết Nhanh, Trần Thành Tài, Phan Văn Hòa (từ phải qua) bị tuyên phạt với tổng mức án 34 năm tù về tội danh “Mua bán người”. |
Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã đấu tranh, bóc gỡ 05 vụ mua bán người, bắt giữ 13 đối tượng có liên quan. Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh đã đấu tranh quyết liệt với băng nhóm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, qua đó triệt phá thành công đường dây mua bán phụ nữ dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc.
Theo nhận định của lực lượng chức năng, thủ đoạn tội phạm mua bán người không mới, nhưng tính chất, quy mô ngày càng phức tạp và có sự thay đổi trong phương thức hoạt động… Một số đối tượng còn thực hiện hành vi mua bán ngay trong nước, thậm chí ngay tại địa phương, cụ thể là tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage có hành vi lừa gạt, cưỡng ép lao động, mua bán nhân viên, đã bị cơ quan Công an điều tra, xử lý.
Theo Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu: “Qua thực tiễn đấu tranh tội phạm mua bán người thời gian qua, có thể xác định nạn nhân mà bọn buôn người nhắm tới thường là những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật; chị em phụ nữ có cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan; các bé gái ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống.
Đồng thời, một số phương thức, thủ đoạn bọn buôn người thường sử dụng như: Kết nối Zalo, Facebook để dụ dỗ đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng; lập các nhóm kín “nhận con nuôi, mang thai hộ”; tìm kiếm “việc nhẹ lương cao”. Sau khi con mồi “mắc bẫy”, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc tại các sòng bạc, hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê,… Khi nạn nhân không chịu đựng được bóc lột, chúng bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng bắt nhốt, đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác”.
Lương Thị Hải - “tú bà” cầm đầu đường dây mua bán phụ nữ sang Trung Quốc đối diện với bản án 30 năm tù giam. |
Chung sức chống mua bán người
Thượng tá Lâm Mỹ Thuận, Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Tội phạm mua bán người được hình thành theo kiểu tội phạm “ẩn”, việc phát hiện, điều tra làm rõ yếu tố cấu thành tội phạm đòi hỏi quá trình đấu tranh kiên trì, thu thập chứng cứ từ nhiều phía. Bởi lẽ, đối tượng đa phần sử dụng họ tên, địa chỉ giả nên việc làm rõ nhân thân, lai lịch, quá trình hoạt động rất khó khăn; giữa chúng lại có sự phân công nhiệm vụ rất chặt chẽ, mỗi đối tượng được giao đảm nhận vai trò riêng và hầu như các đối tượng này hoạt động đơn tuyến.
Khi cơ quan chức năng tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của các nạn nhân, việc xác minh thông tin, điều tra làm rõ vụ việc cũng gặp không ít khó khăn, nhất là các vụ mua bán người đa phần xảy ra nước ngoài. Trong khi tỉnh Bạc Liêu không có đường biên giới trên bộ với các nước nên gây khó khăn cho cơ quan Công an trong quá trình điều tra, truy bắt, dẫn giải đối tượng”.
Một trong những khó khăn khi điều tra, triệt phá các đường dây mua bán người là công tác thu thập tài liệu, chứng cứ phạm tội của đối tượng. Đa phần các chứng cứ thu thập được rất khiêm tốn, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của nạn nhân và người nhà nạn nhân. Tuy nhiên, một số nạn nhân tự trốn thoát trở về quê hương thường có tâm lý mặc cảm, tự ti nên không tố giác tội phạm với cơ quan chức năng. Có những trường hợp nạn nhân đến tố giác nhưng do tâm lý bị khủng hoảng trong thời gian dài nên không nhớ rõ được chính xác nơi mình bị bán, bị giam giữ.
Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu trao Quyết định thưởng nóng của Bộ trưởng Bộ Công an cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh tội phạm môi giới xuất cảnh trái phép, triệt phá thành công đường dây mua bán người. |
“Thời gian tới, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, Ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về ANTT, cư trú, xuất nhập cảnh; tăng cường đấu tranh, bóc gỡ các đường dây buôn người, kịp thời xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” - Đại tá Lê Thanh Hùng chia sẻ thêm.