Đề ra và tiến hành các giải pháp để tạo ra sự chuyển biến thực sự về “văn hóa thực thi” là một trong những vấn đề quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 chiều qua.
Nâng cao hiệu quả các thỏa thuận
Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN 17 với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động” là HNCC cuối cùng của ASEAN trong năm 2010 do Việt Nam tổ chức trong vai trò Chủ tịch ASEAN.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi về nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến ASEAN và quan hệ ASEAN với các Đối tác, bao gồm: Thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai hiệu quả Hiến chương ASEAN, tăng cường Kết nối ASEAN; Mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác, đồng thời củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực; Đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức đang nổi lên như: phục hồi và phát triển bền vững sau khủng hoảng, biến đổi khí hậu, cứu trợ thiên tai, dịch bệnh...
Kiểm điểm lại việc thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các nhà Lãnh đạo ASEAN vui mừng trước những kết quả quan trọng đạt được vừa qua, đồng thời, nhất trí cần tăng cường hơn nữa “văn hóa thực thi” để nâng cao hiệu quả thực hiện các thoả thuận, song song với các biện pháp đồng bộ, mạnh bạo và sáng tạo hơn nữa, chú trọng tăng cường cơ chế giám sát và đánh giá việc thực thi các thỏa thuận, tăng cường sự phối kết hợp giữa các cơ quan thực thi, đẩy mạnh việc huy động nguồn lực, lồng ghép các thỏa thuận khu vực vào các chương trình, kế hoạch phát triển quốc gia.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh tới vấn đề này – một trong 5 vấn đề quan trọng mà ông mong muốn Hội nghị cần tập trung bàn thảo. Thủ tướng nêu rõ, ASEAN cần tiếp tục đề ra và tiến hành các giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các giải pháp để tạo ra sự chuyển biến thực sự về “văn hóa thực thi”, tăng cường cơ chế giám sát và đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận.
Thủ tướng nhấn mạnh: “ASEAN cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đầy đủ phù hợp với Hiến chương ASEAN, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của ASEAN, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi, đẩy mạnh việc huy động nguồn lực, lồng ghép các thỏa thuận khu vực vào các chương trình, kế hoạch phát triển quốc gia”.
Tăng cường kết nối
Các nhà Lãnh đạo cũng đã nhất trí thông qua Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN do Nhóm đặc trách về Kết nối ASEAN đệ trình, đồng thời quyết định thành lập một Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN để giám sát và thúc đẩy thực hiện Kế hoạch tổng thể này. Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh các nỗ lực của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN hướng tới thành lập Quỹ Hạ tầng ASEAN. Những quyết định quan trọng này sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh hơn nữa liên kết, và kết nối các mặt trong ASEAN, cũng như tạo điều kiện để tăng cường kết nối ở khu vực rộng lớn hơn là Đông Á.
Các Lãnh đạo đã xem xét kết quả thực hiện các quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN 16, khẳng định tầm quan trọng cần phải tiếp tục các nỗ lực hợp tác vì phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức đang đặt ra. Tại Hội nghị lần này, các nhà Lãnh đạo đã nhất trí thông qua Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững và Tuyên bố về Nâng cao phúc lợi và phát triển của phụ nữ và trẻ em ASEAN. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đã thống nhất và quyết định nhiều biện pháp để tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức chung như an ninh lương thực và an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
Ngày mai (30/10), Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Mỹ lần đầu tiên tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) với tư cách là khách mời đặc biệt của Hội nghị. Lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức mời Tổng thống Nga và Mỹ tham gia EAS kể từ năm 2011.
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao những phát triển tốt đẹp thời gian vừa qua, nhất trí cần thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, thiết thực hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN và huy động sự tham gia đóng góp tích cực của các Đối tác vào việc xử lý các vấn đề khu vực. Theo đó, các Lãnh đạo nhất trí tiếp tục quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác lên tầm cao mới, cũng như đề ra nhiều biện pháp hợp tác mới cho giai đoạn tiếp theo. Các Lãnh đạo khẳng định lại quan điểm của ASEAN rằng một cấu trúc hợp tác hiệu quả ở khu vực cần phải bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN và dựa trên các tiến trình hiện có, đan xen, bổ trợ cho nhau.
Các Nhà Lãnh đạo cũng bàn và thống nhất về sự tham gia và đóng góp của ASEAN tại Hội nghị Cấp cao G-20 sắp tới ở Seoul, Hàn Quốc. Theo đó, ASEAN sẽ chuyển đến các Hội nghị này một thông điệp chung về các nỗ lực đảm bảo phát triển cân bằng và bền vững, tăng cường vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và cải cách hệ thống tài chính toàn cầu.
Là hoạt động quan trọng cuối cùng trong năm 2010 của các Nhà Lãnh đạo ASEAN, Hội nghị đã tập trung kiểm điểm kết quả hợp tác cả trong nội khối cũng như với các Đối tác của ASEAN, trên cơ sở những mục tiêu đã đề ra cho năm 2010 và đã đề ra những định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo. Kết thúc Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị ra Tuyên bố của Chủ tịch về kết quả và các quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17.
Trong khuôn khổ đợt Hội nghị quan trọng của ASEAN lần này, hôm qua, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hội nghị trù bị các quan chức cấp cao Mê Công – Nhật Bản và Hội nghị Thượng đỉnh tam giác phát triển Indonesia-Malaysia-Thái Lan cũng đã diễn ra tại Hà Nội.
Thủy Thu