Áp lực thành tích, nông thôn mới è cổ với gánh nợ 11 nghìn tỷ

Áp lực thành tích, nông thôn mới è cổ với gánh nợ 11 nghìn tỷ
(PLO) -5 năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Song thực tế, nhiều địa phương vì chạy theo thành tích, áp lực về đích bằng mọi giá đã dẫn đến nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Tổng nợ đọng chương trình này của cả nước hiện đã lên đến hơn 11 nghìn tỷ.

Khi địa phương nằm trên… đống nợ

Khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, nhất là những xã đã về đích NTM, đều dễ dàng thấy số nợ đọng vượt ngưỡng kiểm soát của địa phương. Gần nhất, xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong những xã được chọn làm thí điểm đợt đầu tiên của cả nước. Năm 2012, sau khi hoàn thành 19 tiêu chí, thì số nợ đọng lớn.

Đến nay còn nợ tới hơn 36 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương ngậm ngùi: “Khoản này vượt quá khả năng của địa phương, chúng tôi phải cầu cứu các cấp cao hơn. Chúng tôi kiến nghị lên các cấp, mấy năm qua nhiều cuộc họp đã được tổ chức nhưng chưa có cách tháo gỡ”.

Ở một tỉnh miền trung, Quảng Bình, địa phương được xác định kinh tế còn nhiều năm hạn chế. Nhưng vì thành tích, và mới có 30 xã đạt chuẩn, nhưng số nợ đọng xây dựng lên đến 470 tỷ đồng.

Ở địa phương khác, đến nay Nghệ An có 112 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 25,9%, vượt mức 5,9% so với kế hoạch; tổng số tiền huy động là 20.912,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp chiếm 31%. Thế nhưng, dù nhiều thành quả đạt được thì hầu hết các xã đều đang đau đầu với các khoản nợ đọng.

Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Nghệ An, đến tháng 6-2016, nợ đọng xây dựng cơ bản lên đến 887 tỉ đồng. 

Hay tại Thanh Hóa, lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết toàn tỉnh có 573 xã làm nông thôn mới, trong đó 113 xã đã đạt chuẩn và chỉ có 16 xã không nợ hoặc nợ rất ít. Trong thực thi có một chuyện khá bi hài, là các xã đã “khai thêm” số nợ, dẫn đến tổng số nợ toàn tỉnh (tính đến 31-1-2016) lên đến hơn 1547 tỷ đồng.

Ông Trần Đức Năng, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Trước tình hình nợ đọng, chúng tôi thấy làm việc cũng sát sao, mà sao nhiều quá! Chúng tôi đã kiểm tra lại thì thấy ở cấp xã người ta nôn nóng làm, nên công nợ gồm cả những công trình dự toán sẽ thực hiện (chưa khởi công) vào biểu tổng nợ, dẫn đến số nợ tăng quá cao so với thực tế. Kiểm tra lại thì số nợ của Thanh Hóa chỉ là 1160 tỷ đồng thôi”.

Khách quan nhìn nhận Bộ mặt nông thôn đang từng ngày đổi mới nhờ chương trình xây dựng NTM
Khách quan nhìn nhận Bộ mặt nông thôn đang từng ngày đổi mới nhờ chương trình xây dựng NTM

Cũng được chọn là xã điểm, Quý Lộc huyện Yên Định (Thanh Hóa) đang gánh món nợ vô cùng khó giải quyết, hiện nay còn 16 tỷ đồng. Ông Trịnh Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND xã Quý Lộc, bày tỏ:

“Mệt vì áp lực, nay lại mệt vì nợ nần”. Điều đáng nói, Quý Lộc không chỉ là trường hợp cá biệt của Huyện NTM Yên Định, được nhận quyết định vào ngày 20-5-2016, rất nhiều xã khác khi cán đích thì cùng đội món nợ khổng lồ, như Yên Trường nợ 21 tỷ đồng, Định Hải 5 tỷ đồng, Định Tân hơn 10 tỷ đồng… Ở các huyện khác của xứ Thanh, tình trạng tương tự như tại huyện Hoằng Hóa, xã Hoằng Thịnh nợ 5 tỷ đồng, xã Hoằng Đồng gần 10 tỷ đồng, tại huyện Nga Sơn xã Nga An nợ trên 20 tỷ đồng... 

Nhìn bao quát hơn, theo cập nhật mới nhất của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và tìm hiểu của chúng tôi, nợ đọng xây dựng cơ bản không loại trừ một vùng miền nào, thậm chí ở các huyện đã “về đích” vẫn loay hoay với bài toán nợ nần.

Theo thống kê của 44/51 tỉnh, thành tiền nợ đã lên đến 11.700 tỷ đồng (vẫn còn 12 tỉnh chưa có báo cáo), tập trung vào 10 tỉnh, thành chiếm 82,7% tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của cả nước, như Bắc Ninh (613 tỷ đồng), Thanh Hóa ( trên 1100 tỷ đồng), Nghệ An (887 tỷ đồng), Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Bình (mỗi tỉnh hơn 200 tỷ đồng), Hà Nội (khoảng 540 tỷ đồng)...

Đâu là nguyên nhân?

Theo tìm hiểu ở các địa phương, lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố cho rằng, nguyên nhân nợ đọng là do cấp xã không lo được nguồn vốn đối ứng. Trong khi đó, cấp trung ương, tỉnh đã lo đủ vốn, nhưng cấp xã vẫn loay hoay vì không tìm đâu ra kinh phí.

Ông Vi Lưu Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng Ban Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Nghệ An - khẳng định: “Tỉnh không có chủ trương ép các xã phải cán đích NTM. Việc một số xã rơi vào nợ nần sau khi đạt chuẩn NTM là do họ tự ý đi vay để xây dựng công trình, trong đó có các công trình hoành tráng”. 

Còn tại Thanh Hóa, ông Trần Đức Năng cho biết, trước khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương, thì cả xã và huyện đều có cam kết nguồn vốn đối ứng, nguồn trả nợ. Một căn nguyên khác cũng là tiêu biểu của hầu hết các địa phương, là do áp lực về tiêu chí, thậm chí “chạy tiến độ”, dẫn đến nhiều hạng mục công trình phải làm gấp các tiêu chí khó đạt và cần đầu tư nhiều tiền là: giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, chợ, hộ nghèo…

Trong khi đó lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, bước vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhiều tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế thấp, chưa tự cân đối được ngân sách, dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi. Thêm nữa việc phân bổ ngân sách trung ương rất thấp.

Thực tế tại không ít địa phương, phóng viên chứng kiến nhiều vùng nông thôn còn nghèo, nhưng lại xây trụ sở UBND xã rất lớn; các công trình trung tâm văn hóa, trường học, trạm y tế xã, cổng làng… cũng được đầu tư tốn kém, vượt công năng sử dụng nên dẫn đến nợ nần. Nhưng dù thế nào thì đó cũng là khoản nợ khổng lồ, mà theo như nhiều chuyên gia là đã “vung tay quá trán”. 

Hướng giải quyết hiệu quả

Để chấn chỉnh và xử lý tình trạng nợ đọng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương không để phát sinh nợ; còn nợ thì không cho phép xây dựng mới cho đến khi xử lý xong nợ; chỉ phê duyệt dự án khi đã xác định được nguồn vốn, không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn thi công dự án khi chưa được bố trí vốn, không công nhận đạt chuẩn NTM và không khen thưởng đối với địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản không đúng qui định. 

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết: Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về cơ chế đầu tư đặc thù trong xây dựng NTM, theo đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để giao cho cộng đồng và người dân tự triển khai các công trình xây dựng quy mô nhỏ, đơn giản trong Chương trình xây dựng NTM; góp phần giảm 30-40% chi phí của công trình (so với trường hợp phải đấu thầu hoặc thuê doanh nghiệp thi công).

Đồng thời, hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đang hoàn thiện phương án sửa đổi bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới để ban hành bộ tiêu chí NTM cấp xã giai đoạn 2016-2020, theo đó đối với 09 tiêu chí về cơ sở hạ tầng sẽ được làm “mềm hóa”, cho phép địa phương áp dụng mức đạt chuẩn linh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi). Như vậy, sẽ tránh việc đầu tư quá lớn cho những công trình chưa thực sự cần thiết, hoặc đầu tư quy mô quá mức để đạt chuẩn.

Trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội đã cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách phục vụ NTM tối thiểu ở mức 193.000 tỷ đồng (trong đó 63.000 tỷ đồng là từ ngân sách trung ương, và 130.000 tỷ đồng là từ địa phương các cấp). Như vậy, nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 tăng gấp 3,8 lần so với giai đoạn 2011-2015; ngân sách địa phương tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ của 5 năm trước.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...