Nhằm góp phần tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống, văn hóa, xã hội Việt Nam, đồng thời khơi dậy tình yêu, niềm tự hào và trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản áo dài và quảng bá hình ảnh áo dài, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đến gần gũi hơn với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, chương trình nghệ thuật “Tinh hoa Áo dài Việt” sẽ được tổ chức vào lúc 20h ngày 18/10/2022 tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.
Trong chương trình nghệ thuật “Tinh hoa Áo dài Việt” cùng với tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam sẽ trình diễn bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và các nhà thiết kế áo dài khác theo 3 chủ đề: Cội nguồn - Hà Nội xưa; Tinh hoa; Hội nhập...
Có thể nói, áo dài đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống, văn hóa của người Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng. Việc ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia là nguyện vọng của đông đảo phụ nữ và người dân.
Do đó, ngày 15/10/2022, trong hội nghị đối thoại với phụ nữ về “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội” nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, trước đề nghị của bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH May SH, Thừa Thiên Huế về chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực triển khai các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Theo Thủ tướng, trong văn hóa có trang phục, các dân tộc đều có trang phục riêng, trong đó áo dài Việt Nam là một nét hết sức độc đáo, có sức ảnh hưởng, giá trị sử dụng lớn trong cộng đồng, xứng đáng là di sản của đất nước. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành rà soát xem xét lại toàn diện về thể chế, quy trình, thủ tục, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân về việc công nhận và ghi danh ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia.
Áo dài đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống, văn hóa của người Việt Nam nói chung và phụ nữ nói riêng (ảnh minh họa) |
Hiện nay, ngày càng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được nhận diện, bảo vệ ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Với áo dài, theo các chuyên gia, để nhận diện chính xác khía cạnh di sản văn hóa phi vật thể liên quan và thành công trong việc xây dựng hồ sơ đưa vào danh mục quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách của UNESCO, cần có cách tiếp cận nghiên cứu, quản lý, bảo vệ phù hợp để bảo đảm sức sống của di sản theo tinh thần Công ước 2003 và Luật Di sản văn hóa.
Năm 2020, tại Hội thảo "Tham vấn về lấy ý kiến chuyên gia về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến áo dài" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, từ 2001, theo Luật Di sản mới, nhiệm vụ hàng đầu của các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là phải làm tổng kiểm kê, trong đó có nhận diện di sản của mình.
Di sản áo dài cực kỳ đa dạng, đa sắc thái. Xung quanh di sản phi vật thể này có chuỗi sản phẩm độc đáo gồm trồng dâu, nuôi tằm, dệt, may đo, thiết kế… Áo dài cũng hiện diện khắp nơi, dành cho mọi người ở mọi lứa tuổi trong các thời kỳ. Do đó, việc làm hồ sơ, xác định tên gọi di sản này là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi áo dài không chỉ có thể hiện bề ngoài là hiện vật vật chất.