PLVN trao đổi với ông Dũng xung quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về cơ hội và thách thức đối với nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế?
Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, Việt Nam nổi lên như một nhà cung cấp lớn trên toàn cầu đối với nhiều loại hàng hóa nông sản và thực phẩm như gạo, café, điều... và trong một số lĩnh vực khác, nông nghiệp Việt Nam đã sánh ngang hoặc vượt trội so với nhiều nước đang phát triển.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp của chúng ta hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng cả trong và ngoài nước. Chi phí lao động tăng đang bắt đầu kìm hãm khả năng cạnh tranh toàn cầu của ngành. Một phần lớn tăng trưởng nông nghiệp của chúng ta đến từ việc thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, sử dụng tương đối nhiều phân bón và nông dược hoá học. Kết quả là thành công trong nông nghiệp phải trả giá bằng ô nhiễm môi trường, bao gồm cả việc mất rừng và cạn kiệt nguồn thủy sản, tỷ lệ suy thoái đất và ô nhiễm nước ngày càng gia tăng.
Để phát triển bền vững, nông nghiệp của chúng ta sẽ cần giảm thâm dụng tài nguyên nhưng vẫn tạo ra nhiều giá trị kinh tế hơn (và phúc lợi cho người nông dân và người tiêu dùng), tăng trưởng trong tương lai cần phụ thuộc vào nâng cao hiệu quả và sự đổi mới.
Cơ hội và thách thức lớn sẽ có cả trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng dù ở thị trường nào thì cạnh tranh hiệu quả vẫn phụ thuộc vào khả năng cung cấp sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp trên cơ sở đáng tin cậy, với chất lượng có thể dự đoán được, đảm bảo an toàn thực phẩm và các hoạt động bền vững.
- Theo ông Việt Nam cần đổi mới như thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chuỗi giá trị nông sản?
Để đạt được sự thay đổi quy mô lớn và nhanh, đòi hỏi những thay đổi quan trọng trong chính sách của ngành và những thay đổi, bổ sung lớn đối với các thể chế cốt lõi phục vụ nông nghiệp.
Với nguồn lực hạn chế hiện nay thì Việt Nam nên tập trung phát triển nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và quốc gia theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến nông sản. Dần xây dựng nông nghiệp theo hướng hình thành chuỗi giá trị nông sản gắn với công nghệ cao và chuyển đổi số để thay đổi mô hình tăng trưởng, giúp ngành Nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Mặc dù Việt Nam là nơi có nhiều tổ chức sản xuất nhưng phần lớn là các hợp tác xã sản xuất, chỉ một phần nhỏ các hợp tác xã làm dịch vụ thương mại ở đầu vào hoặc đầu ra. Khi nền nông nghiệp chủ yếu dựa trên quy mô hộ gia đình sản xuất nhỏ sẽ tiềm ẩn chi phí giao dịch phát sinh cao, và điều này nên thay đổi.
Chúng ta cần phát triển hợp đồng canh tác (giữa nhà cung cấp và người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp) để hỗ trợ truy tìm nguồn gốc và đảm bảo độ tin cậy, số lượng, chất lượng của nguồn cung.
Ngoài ra, cần phát triển cụm nông nghiệp dựa trên tiềm năng nông nghiệp là một chiến lược phù hợp bối cảnh của Việt Nam, với lợi ích đến từ việc tăng cường liên kết giữa nông dân và người giao dịch khác nhau, trong đó có cơ sở hạ tầng làm nền tảng.
TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Bộ môn Kinh tế Tài nguyên, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. |
Theo kinh nghiệm của các nước, thì muốn phát triển được mô hình quản lý chuỗi giá trị nông sản thì trước hết phải phát triển được các chuỗi giá trị nông sản có tính cạnh tranh trong đó an toàn thực phẩm là một thuộc tính quan trọng đóng góp vào tính cạnh tranh của chuỗi giá trị.
Các quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, tăng thu nhập và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng theo hướng ưa chuộng thực phẩm chế biến có giá trị cao… đã làm tăng yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của người tiêu dùng.
Khi tiến hành những cải cách này, kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát an toàn thực phẩm cho thấy sự chia sẻ trách nhiệm một cách hợp lý giữa các cấp chính quyền và các đơn vị tư nhân, và các cách tiếp cận chủ động để bảo vệ sự an toàn cho người tiêu dùng sẽ là những chính sách hiệu quả.
Việt Nam nên tiến tới các phương pháp tiếp cận quản lý an toàn thực phẩm ưu tiên cho việc ngăn ngừa các mối nguy sinh học, hóa học và vật lý trong các sản phẩm. Một trong những trụ cột cơ bản của phòng ngừa chủ động là nguyên tắc giám sát mối nguy. Một cách thực tế để thực hiện điều này là truy xuất nguồn gốc và giám sát rủi ro. Khả năng phòng ngừa rủi ro thường đòi hỏi từ khả năng ghi nhận hồi cứu các dấu vết an toàn thực phẩm, tới việc đánh giá khả năng xảy ra các vấn đề trong tương lai.
Quản lý an toàn thực phẩm chỉ thành công khi nó có khả năng thay đổi rộng rãi, nhất quán và lâu dài hành vi của nhiều người, bao gồm người tiêu dùng, nông dân, người chế biến thực phẩm nhỏ, công nhân sản xuất thực phẩm và những người làm việc trong các doanh nghiệp nông nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn ông!