Hôm nay (3/4), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 với chủ đề “Một cộng đồng, một vận mệnh” khai mạc tại Phnom Penh, Campuchia. Hội nghị tập trung vào các vấn đề chính nhằm thắt chặt mối quan hệ và sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên, thực hiện đầy đủ Kế hoạch nối kết ASEAN để đảm bảo đạt được những mục tiêu về một Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Chiều qua, tại Cung Hòa Bình ở Thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia Hun Sen. |
Để rà soát các công tác chuẩn bị mọi mặt cho Hội nghị này, hôm qua (2/4), , các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) và Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) cũng đã được tổ chức tại Phnôm Pênh.
Tại các Hội nghị hôm qua, các Bộ trưởng đã thảo luận việc triển khai kết quả của Hội nghị hẹp các BTNG ASEAN tại Xiêm Riệp tháng 1/2012; rà soát và cơ bản hoàn tất các nội dung và văn kiện sẽ trình lên Cấp cao ASEAN-20. Các BTNG nhất trí ASEAN cần tiếp tục chủ động đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực; phát huy vai trò của các công cụ hợp tác chính trị-an ninh hiện có ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ĐNA (TAC), Hiệp ước Khu vực ĐNA không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… vì các mục tiêu trên.
Theo đó, các BTNG hoan nghênh việc Vương quốc Anh sẽ tham gia TAC; thúc đẩy các nước sớm hoàn tất phê chuẩn Nghị định thư thứ 3 sửa đổi TAC để EU tham gia Hiệp ước này trong thời gian sớm nhất. Các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các Đối tác; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực; tích cực chuẩn bị cho việc chuyển đổi chu kỳ điều phối quan hệ đối thoại của ASEAN bắt đầu từ tháng 7 năm nay.
Các BTNG hoan nghênh các tiến triển gần đây tại Myanma trong việc thực hiện Lộ trình 7 điểm vì hòa hợp dân tộc, ổn định và phát triển đất nước, trong đó có kết quả bầu cử bổ sung ngày 1/4/2012; bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Mianma đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2014 cũng như tăng cường quan hệ với cộng đồng quốc tế; kêu gọi dỡ bỏ cấm vận đối với Mianma.
Tại Hội nghị lần thứ 7 Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC), các Bộ trưởng đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong triển khai Kế hoạch tổng thể APSC năm qua, đề nghị ASEAN cần tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả 14 lĩnh vực ưu tiên, nhất là thúc đẩy hòa bình, ổn định, tăng cường xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử ở khu vực; phát huy các công cụ, cơ chế hợp tác vì hòa bình, an ninh ở khu vực; ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên như an ninh biển, quản lý thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia…
Trao đổi về tình hình Biển Đông, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC, sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh kết quả của Nhóm Công tác của SOM ASEAN về xây dựng các thành tố của COC, làm cơ sở để trao đổi giữa ASEAN với TQ.
Tại Hội nghị lần thứ 10 Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC), các Bộ trưởng đã rà soát lần cuối công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20; việc phối hợp ba trụ cột Cộng đồng và xem xét các báo cáo của Tổng thư ký ASEAN.
Kết thúc các Hội nghị, các BTNG ASEAN đã ký Văn kiện hợp nhất Quy tắc trình các trường hợp không tuân thủ lên Cấp cao ASEAN vào Nghị định thư của Hiến chương ASEAN về Cơ chế giải quyết tranh chấp; chứng kiến Ngoại trưởng Indonesia và Tổng thư ký ASEAN, thay mặt ASEAN, ký Hiệp định nước chủ nhà về trụ sở và quyền ưu đãi miễn trừ dành cho BTK ASEAN.
Tham dự các Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ quan điểm của Việt Nam và đóng góp tích cực vào các vấn đề ưu tiên của ASEAN, nhất là tăng cường đoàn kết, xây dựng Cộng đồng; phát huy vai trò quan trọng của ASEAN trong thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực; đẩy mạnh hợp tác nâng cao năng lực khu vực ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, trong đó có thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh an toàn hàng hải, các vấn đề xuyên quốc gia…
Bộ trưởng khẳng định TAC, cùng với SEANWFZ, DOC, ARF… tiếp tục là những công cụ hợp tác chính trị-an ninh hữu hiệu vì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực; theo đó, Bộ trưởng hoan nghênh việc Vương quốc Anh sẽ tham gia TAC thời gian tới; thông báo Việt Nam đã phê chuẩn NĐT thứ 3 sửa đổi TAC và hi vọng các nước sẽ thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn để EU có thể sớm tham gia TAC; đề nghị các nước ASEAN cùng các nước có vũ khí hạt nhân hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết để các nước này có thể ký NĐT của Hiệp ước SEANWFZ trong năm nay.
Về Biển Đông, Bộ trưởng khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải là nguyện vọng và lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bên lề các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đã có các tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao một số nước để bàn các nội dung hợp tác song phương cùng quan tâm.
Thủy Thu