Ăn thực dưỡng chữa ung thư là quan niệm sai lầm

Ăn thực dưỡng chữa ung thư là quan niệm sai lầm
(PLVN) - Thời gian qua, nhiều người xôn xao bàn tán về phương pháp ăn chay thực dưỡng Ohsawa “bỏ đói tế bào ung thư”, thế nhưng theo các chuyên gia y tế, các bác sỹ thì người dân đang hiểu sai cũng như thần thánh hóa của phương pháp ăn chay thực dưỡng này. Dẫn đến nhiều người phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt cơ thể, thậm chí nhập viện vì áp dụng chế độ ăn này.

Lời cảnh tỉnh về thực dưỡng chữa ung thư 

Theo tìm hiểu, thực dưỡng được giới thiệu vào thế kỷ 18, bởi bác sĩ người Đức Christophe Hufeland với niềm tin chế độ dinh dưỡng chú trọng thực phẩm chay sẽ giúp kéo dài tuổi thọ và đảm bảo sức khỏe. Sau đó chúng được phổ biến rộng rãi vào thập niên 60 bởi triết gia người Nhật George Ohsawa với triết lý về chế độ ăn uống thực dưỡng dựa trên nguyên lý âm - dương. Trong đó gạo lứt và muối vừng là một trong những món ăn được biết đến như thần dược trong chế độ ăn uống thực dưỡng Ohsawa giúp đẩy lùi bệnh ung thư. Ohsawa viết: “Không có bệnh nào chữa được đơn giản hơn là ung thư bằng cách trở về với việc ăn uống cơ bản và tự nhiên nhất”.

Thế Ohsawa là ai? Nhà nghiên cứu khoa học hay một bác sỹ? Tất cả đều không phải trên thực tế, Ohsawa – có tên khai sinh Nyoichi Sakurazawa –sinh ra ở Nhật vào năm 1893 và chuyển sang sống tại Paris vào khoảng thế chiến thứ 2. George Ohsawa không phải là giáo sư và cũng không được đào tạo chính quy trong khoa học và y tế.

Ông cũng không tham gia nghiên cứu khoa học mà dành phần lớn cuộc đời viết sách và phổ biến về triết lý, lối sống thực dưỡng. Những gì ông viết trên sách không dựa trên dữ liệu thực nghiệm hay hệ thống mà phần lớn là quan điểm và quan sát cá nhân. Ông mất vào năm 74 tuổi vì bệnh tim.

Vậy thì thực dưỡng Ohsawa có hiệu quả trong điều trị ung thư không? Đến nay vẫn không có bằng chứng hay nghiên cứu nào cho thấy việc sử dụng chế độ thực dưỡng có hiệu quả trong chữa trị ung thư. Ngược lại, theo các chuyên gia y tế, thực dưỡng còn có thể khiến người bệnh ung thư bị suy nhược cơ thể do thiếu dinh dưỡng.

Thậm chí mới đây, một phụ nữ 61 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu vì áp dụng chế độ ăn chay với gạo lứt, muối vừng giới thiệu trên mạng 41 ngày.

Bệnh nhân này được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang lên cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Qua khai thác bệnh sử, được biết, nữ bệnh nhân nói trên có tiền sử tăng huyết áp. Gần đây, bà áp dụng chế độ ăn chay trên mạng, kéo dài 45 ngày, ăn gạo lứt và muối vừng.

Tuy nhiên, sau khi kiên trì ăn chay gạo lứt, muối vừng được đến ngày thứ 41, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, đau ngực trái, xuất hiện giảm ý thức, được nhân viên cấp cứu 115 đưa vào Bệnh viện Đức Giang cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn do rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu thành công, trước khi chuyển tuyến lên Viện Tim mạch Quốc gia cấp cứu.

Được biết, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai thời gian gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân áp dụng ăn thực dưỡng có thể kể đến như ca bị ung thư dạ dày vào viện trong tình trạng nặng. Theo người nhà bệnh nhân này, vừa biết tin bị ung thư liền ăn thực dưỡng, không dùng thuốc tây. Sau vài ngày ăn gạo lứt, người bệnh giảm 20kg và vào viện cấp cứu trong tình trạng suy kiệt, da bọc xương.

Một trường hợp khác, bệnh nhân 40 tuổi bị xơ gan nhưng không điều trị mà chỉ ăn thực dưỡng và uống thuốc nam. Khi vào viện, da người bệnh nhân này vàng như nghệ, gan đã không còn tác dụng và rơi vào hôn mê.

Bác sĩ phải lọc máu thay thế chức năng gan. Lúc này, bệnh nhân phải mất hàng trăm triệu đồng mới qua được cơ nguy kịch nhưng gan bị xơ thêm một độ. 

Tuy nhiên, đây chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp tự áp dụng “bác sĩ  Google” để chữa bệnh nói chung và thực dưỡng để điều trị bệnh nói riêng. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh việc tự ý chẩn đoán, điều trị theo những tin đồn trên mạng xã hội.

Nhiều người nhập viện trong tình trạng suy kiệt cơ thể vì ăn chay thực dưỡng. Ảnh minh họa
 Nhiều người nhập viện trong tình trạng suy kiệt cơ thể vì ăn chay thực dưỡng. Ảnh minh họa

“Bỏ đói tế bào ung thư” là quan niệm sai lầm

Nói về vấn đề thực dưỡng, GS-TS. Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong suốt nhiều năm làm lâm sàng của mình, ông chưa ghi nhận trường hợp nào chữa khỏi bệnh ung thư chỉ bằng chế độ thực dưỡng.

Điều khiến ông xót xa là một số người bệnh sau khi nhận được thông báo kết quả của bệnh viện thì không điều trị theo chỉ định của y, bác sĩ, họ bỏ mọi phác đồ điều trị do bác sĩ tư vấn, bỏ bệnh viện để về ăn theo chế độ “bỏ đói tế bào ung thư” (thực dưỡng), rồi tu luyện theo 1 pháp môn nào đó. Kết quả, khi trở lại bệnh viện, người bệnh đó rơi vào tình trạng suy kiệt nặng.

Nhiều bệnh nhân lúc phát hiện mới ở giai đoạn rất sớm có nhiều cơ hội điều trị thì giờ đã vào giai đoạn 3, giai đoạn 4, thậm chí giai đoạn cuối trên một thân thể suy kiệt đó là điều rất đáng tiếc.

“Lúc này, thay vì áp dụng phác đồ điều trị, các bác sĩ lại phải chống suy kiệt bằng việc truyền đạm, đường, các chất dinh dưỡng… để nâng cao thể trạng. Và không ít trong số những người bệnh đó đã đi về thế giới bên kia do suy kiệt trước khi bị chết vì ung thư”, GS. Mai Trọng Khoa chia sẻ.

Còn theo GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định:  “Tôi khẳng định thực dưỡng Ohsawa là hết sức sai lầm. Cũng có người tranh luận rằng tại sao nhà sư họ ăn chay vẫn khỏe? Tôi đã tìm hiểu và được biết họ phải ăn nhiều cơm lên, ăn với rau, muối vừng… Rồi các nhà sư phải tới bệnh viện khám vì có dấu hiệu về cơ xương khớp, răng, môi, lưỡi, thiếu vitamin…

Vì vậy, với người bệnh ung thư, không nên theo phương pháp thực dưỡng nào cả mà vẫn phải ăn như người bình thường. Đến nay cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng thực dưỡng áp dụng được cho người ung thư”- GS. Hương nhấn mạnh.

Dẫu biết rằng có bệnh thì vái tứ phương, thế nhưng mù quáng tin tưởng vận dụng các phương pháp điều trị phi khoa học thì thật đáng trách. Mọi việc cần dựa trên thực chứng và được kiểm chứng rõ ràng. Trong y học hiện đại, dinh dưỡng lâm sàng được coi là một phương pháp điều trị phối hợp cùng với thuốc và các phương pháp điều trị khác. Còn quan điểm “bỏ đói tế bào ung thư” để dẫn đến người bệnh bị suy kiệt là nhận thức không đúng.

GS Mai Trọng Khoa
GS Mai Trọng Khoa 

Chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư như thế nào?

Hiện nay, có những quan niệm cho rằng khi bị ung thư nếu ăn uống đầy đủ sẽ làm cho khối u càng phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, người bệnh ung thư nghĩ rằng nếu không ăn thì tế bào ung thư cũng không ăn. Đây là quan niệm sai lầm. Khi cơ thể dinh dưỡng kém, mô ung thư vẫn phát triển và lấy dưỡng chất trong cơ thể (thậm chí còn lấy nhiều dinh dưỡng từ cơ thể hơn các mô tế bào bình thường khác), khiến người bệnh nhanh chóng bị suy kiệt, suy tạng.

Vì thế, những người bệnh đang điều trị ung thư cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời tăng cường tập thể dục, ăn uống theo hướng dẫn và chỉ định chứ không nên hạn chế cực đoan về dinh dưỡng. 

Giải pháp tốt nhất cho người bệnh là ăn cân đối dinh dưỡng, bổ sung tinh bột từ các loại hạt nguyên sẽ tốt hơn là hạt tinh chế. Đối với người bệnh ung thư, các bác sĩ không khuyên người bệnh bỏ ăn thịt đỏ hoàn toàn nhưng bệnh nhân chỉ được ăn với số lượng ít. Người dân cần phân biệt rõ, thịt đỏ là thịt của con 4 chân, không phải là thịt có màu đỏ.

Vì vậy, thay vì ăn nhiều thịt đỏ, người bệnh nên ăn nhiều thịt gia cầm, thịt gà, thịt vịt. Trong trường hợp người bệnh thèm ăn thì vẫn có thể ăn thịt đỏ theo khuyến cáo của bác sĩ.

Người bệnh cũng nên ăn thêm các loại thịt cá, tôm, hải sản vì chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như omega 3, omega 6, các chất khoáng, vitamin, kẽm, sát… Hạn chế các thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối, xúc xích, lạp xưởng vì chúng không tốt cho cơ thể. 

Đọc thêm

Trẻ ngộ độc thuốc giảm cân, thuốc diệt chuột

Bác sĩ thăm khám cho một trường hợp trẻ nhập viện điều trị tại khoa Cấp cứu và Chống độc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Cuối tháng 2 vừa qua, bé gái H.T (3 tuổi ở Hà Nam) phải nhập viện cấp cứu do ăn nhầm thuốc giảm cân của chị gái. Cùng thời gian này, một bệnh nhi 13 tuổi cũng phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc diệt chuột. Đây là hồi chuông cảnh báo về hiểm họa khôn lường khi trẻ em bị ngộ độc thuốc, hoá chất, đặc biệt là các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được bán tràn lan trên mạng.

Tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại

Tăng cường tiêm phòng cho chó mèo để phòng ngừa bệnh Dại
(PLVN) - Trước tình hình số người tử vong do bệnh Dại và số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại tăng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại.

Cứu sống ca bệnh hiếm, 100 năm mới có 150 người mắc

ThS.BS Trần Vũ Đức - khoa Ngoại Tiêu hóa thăm khám cho bệnh nhân.
(PLVN) - Ngày 14/3, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức buổi chia sẻ thông tin về việc điều trị thành công cho 1 thai phụ bị thoát vị hoành nghẹt hiếm gặp. Theo thống kê của y văn, hơn 100 năm qua, thế giới ghi nhận chỉ có hơn 150 ca bệnh nhân có tình trạng tương tự.

Chủ động phòng, chống bệnh dại

Công tác tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó hiện chưa đạt hiệu quả cao. (Ảnh minh họa: TTXVN)
(PLVN) - Là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, bệnh dại là nguyên nhân gây ra khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm. Hầu hết các trường hợp bệnh dại ở nước ta do chó dại cắn.