Theo thông tin trên truyền thông, sáng 20/4, trong giờ ra chơi, 16 học sinh của Trường Tiểu học Quế Hiệp, huyện Quế Sơn ra trước cổng trường mua kem ống ăn, sau đó có dấu hiệu ngộ độc với những triệu chứng như mệt mỏi, nôn. Ngay sau đó, các em đã được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn. Công an xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn đã lập biên bản và lấy mẫu kem các học sinh này đã ăn gửi đi kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.
Trước đó đã có nhiều trường hợp tương tự xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Thực tế, khu vực quanh các điểm trường thường có nhiều quán hàng, xe đẩy bán đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh... Điểm chung của hầu hết những món ăn vặt trước cổng trường là rất đa dạng và rẻ, chỉ từ vài nghìn đồng là các em học sinh đã có thể thỏa mãn sự thèm ăn hay tò mò của mình.
Tuy nhiên, việc quản lý về an toàn thực phẩm đối với những mặt hàng này dường như chưa được chú trọng. Các mặt hàng thực phẩm như nem chua, xúc xích... thì đựng trong túi bóng, các loại hộp xốp và không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng... Nhiều quán ăn vặt tại cổng trường đều bày bán giữa đường, chế biến tại chỗ, không có các biện pháp chống bụi bẩn, khói xe. Thậm chí, nhiều hàng quán còn bày bán đồ ăn sát cống rãnh, mương nước... tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe.
Mặc dù đã có những hồi chuông cảnh báo về tác hại của thực phẩm “đường phố” nhưng dường như nhiều phụ huynh và học sinh vẫn xem nhẹ điều này. Thực phẩm bẩn có thể nguy hiểm hơn chúng ta thường nghĩ. Ngoài các dấu hiệu ngộ độc trực tiếp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thì việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì. Đặc biệt, đối với các món ăn chiên xào, việc tái sử dụng dầu ăn nhiều lần cũng gây ra hiểm họa cho sức khỏe khi lượng dầu cặn có hàm lượng chất acolein cao - gây hại cho gan, gây kích ứng niêm mạc dạ dày và là một trong những nguyên nhân gây ung thư.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Theo Bộ Y tế, mục tiêu của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.