Ấn Độ: Đào tạo thầy y “làng” để cải thiện hệ thống y tế

Liver Foundation tổ chức các khóa học đào tạo thầy y “làng” nhằm cải thiện hệ thống y tế
Liver Foundation tổ chức các khóa học đào tạo thầy y “làng” nhằm cải thiện hệ thống y tế
(PLO) - Ở Ấn Độ hiện nay, do tình trạng thiếu hụt bác sĩ và nhân viên y tế có năng lực và trình độ nên những người được gọi là bác sĩ “làng” bắt đầu phổ biến. Tuy nhiên, một số tổ chức từ thiện đang cố gắng đào tạo những bác sĩ “làng” này để họ có được những kiến thức cơ bản về chăm sóc y tế nhằm lấp đầy khoảng trống trong hệ thống y tế của chính phủ.

Cải thiện chăm sóc y tế

Theo hãng tin BBC dẫn lời một người đàn ông có tên Sanjoy Mondal: “Tôi đã mở một phòng khám nhỏ cho riêng mình chỉ với một cái bàn và vài cái ghế nhựa ở miền Đông Ấn Độ từ 15 năm trước, sau một thời gian ngắn phụ giúp và học hỏi từ một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện của chính phủ”.

Mặc dù không được đào tạo bài bản từ một môi trường chính quy nào đó, nhưng ông Sanjoy Mondal nói rằng ông đã tiến hành vô số những cuộc tiểu phẫu và kê thuốc cho hàng trăm bệnh nhân tại một ngôi làng ở miền Tây Bengal. 

Và giờ đây, ông Mondal là một trong hàng ngàn người được một tổ chức phi chính phủ có tên Liver Foundation trang bị những kiến thức cơ bản về y học, từ giải phẫu cơ thể con người đến dược lý học, cung cấp cho họ những kiến thức lý thuyết, nhằm mục đích trang bị các kỹ năng điều trị các ca cấp tính về những loại bệnh thông thường và một điều quan trọng là giúp họ đánh giá tình trạng bệnh nhân và khi nào bệnh nhân của mình cần phải gặp bác sĩ thật sự.

Ông Sanjoy Mondal cho biết: “Cho đến bây giờ tôi mới thực sự hiểu được những loại thuốc và phân biệt chính xác loại thuốc an toàn và những loại thuốc nào là không an toàn đối với người bệnh”. 

Tuy nhiên, với mục đích tốt, nhưng tổ chức  Liver Foundation  vẫn bị các cơ sở y tế của Ấn Độ chỉ trích, bởi họ cho rằng những kiểu bác sĩ “lang băm” không đủ tiêu chuẩn và sẽ là nguyên nhân khiến cho hệ thống y tế của đất nước bị sụp đổ. 

Thiếu hụt nghiêm trọng

Trong những tuần gần đây tại bang Tamil Nadu miền Nam Ấn Độ, chính quyền đã phát động đàn áp sau khi nhiều trẻ em đã chết sau khi điều trị ở những bác sĩ “lang băm”. Tuy nhiên, tiến sĩ Anil Bansal, một cựu lãnh đạo  trong Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, người đã đăng ký giám sát các bác sĩ ở thủ đô của Ấn Độ, nói rằng “những lời nói trên là lừa dối công chúng và vi phạm pháp luật”. 

Abhijit Chowdhury, giảng viên Khoa Gan tại Viện Giáo dục và Nghiên cứu Y khoa sau đại học Kolkata và là thành viên của Liver Foundation - một trong những nhà đấu tranh lớn nhất cho ý tưởng này- tin rằng, nên sử dụng những bác sĩ “làng” này, bởi đây là cách duy nhất để Ấn Độ thoát khỏi tình trạng thiếu hụt lớn bác sĩ có trình độ và nhân viên y tế đủ tiêu chuẩn. Cũng theo nghiên cứu mới đây nhất được công bố tuần trước trên Tạp chí Khoa học đã đánh giá chương trình đào tạo của Liver Foundation là có hiệu quả và có mang lại những lợi ích cụ thể. 

Theo thống kê của Liên đoàn Y tế Ấn Độ, nước này đang thiếu hụt gần 2 triệu bác sĩ và khoảng 4 triệu y tá. Đặc biệt là ở nông thôn, nơi người ta ước tính rằng hơn 60% người dân lần đầu tiên được chăm sóc y tế là bởi những bác sĩ “lang băm” kiểu như ông Sanjoy Mondal, chứ không phải là một bác sĩ có đủ tiêu chuẩn.

Dân làng nơi ông Sanjoy Mondal làm việc nói rằng, họ tìm đến ông Mondal bởi các trung tâm khám bệnh miễn phí cách xa ngôi làng nhiều cây số, không chỉ thế trung tâm cũng thiếu nhân lực và chỉ mở một vài giờ trong tuần, điều này không đáp ứng được nhu cầu của người dân. 

Sanghamitra Ghosh, thư ký tại một cơ quan y tế và phúc lợi ở miền Tây Bengal thừa nhận rằng, rất khó để có thể giữ chân các bác sĩ ở lại vùng sâu vùng xa, do đó những bác sĩ không đủ tiêu chuẩn sẽ “lấp đầy khoảng trống” trong hệ thống y tế qua thiếu hụt nhân lực hiện nay. 

Là biện pháp ngắn hạn tốt nhất 

Nghiên cứu cho thấy rằng, những bác sĩ “làng” trong quá trình được đào tạo từ tổ chức  Liver Foundation đã tuân thủ theo những bài kiểm tra sau quá trình học tập và nhận được những cải thiện lớn để có thể thực hiện những phương pháp điều trị y tế đúng cách. 

Sau khi hoàn thành khóa học, những người này sẽ được trở thành nhân viên y tế với tên gọi “Người cung cấp dịch vụ y tế nông thôn”, nhưng phải đánh đổi hai thứ. Đầu tiên, họ sẽ phải dừng kê đơn hầu hết các loại thuốc Schedule H và Schedule X mà chỉ các bác sĩ thực thụ mới được phép kê đơn ở Ấn Độ, đồng thời sẽ phải hạn chế kê đơn một vài loại thuốc kháng sinh như amoxicillin và doxycycline trong các trường hợp có thể đe dọa tính mạng con người, đặc biệt kháng sinh liều mạnh như ceftriaxone sẽ nằm ngoài quyền hạn kê đơn của họ. Thứ hai, họ sẽ phải tháo từ “BS” (Dr) ra khỏi tên của mình, một chức danh đang được nhiều bác sĩ nông thôn ưa thích.

Trong thực tế, chương trình của Liver Foundation đã gây nhiều tranh cãi. Một bên là những người ủng hộ ý tưởng trên. Bên khác lại có ý kiến ngược lại, trong đó chủ yếu là các bác sĩ Ấn Độ và quan trọng hơn là các hiệp hội đại diện cho họ, chẳng hạn như Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA) với quan điểm, “Đào tạo bác sĩ lang băm như thế thật chẳng khác gì hợp pháp hóa họ. Những người hành nghề y nông thôn và công tác đào tạo y tế nửa mùa cho họ sẽ gây ra những tác hại rất lớn cho bệnh nhân và y tế công cộng nói chung”...

Theo Gurinder Singh Grewal, Chủ tịch Hội đồng Y khoa ở Punjab, dịch bệnh viêm gan C của bang này là do hành vi hành nghề không vệ sinh của các “thầy y lang băm”. Đây là kết quả của tình trạng sử dụng kim tiêm bẩn, máu không được xét nghiệm đã lây truyền cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.