Sau “thương vụ Hải Phát”, Chủ tịch Cienco5 định “rút êm”
Trước những diễn biến phức tạp tại Tổng Công ty (TCty) Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5), đặc biệt là khi Cty Hải Phát gửi Bộ GTVT đề nghị tạm dừng điều chuyển công tác đối với ông Bạch Ngọc Du để giải quyết dứt điểm vụ chuyển nhượng cổ phần của Cienco 5, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có quyết định số 1375/QĐ-BGTVT thành lập tổ công tác để kiểm tra những vấn đề quan trọng tại doanh nghiệp này. Kết quả kiểm tra đã hé lộ nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những việc làm “khó hiểu” của ông Bạch Ngọc Du, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Cienco 5.
Theo đó, trong quá trình nhóm cổ đông mới của Cienco5 thực hiện việc sửa đổi điều lệ bằng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (trái với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty), nhưng những người đại diện vốn nhà nước tại Cienco5 đã không có động thái nào để cản trở hành động “dọn đường” nằm quyền lực tại Cienco5 của nhóm cổ đông Hải Phát. Cả hai lần sửa đổi Điều lệ này, người đại diện tại TCty đã không báo cáo xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước chấp thuận theo quy định trước khi biểu quyết.
Khi nhóm Cienco 5 đổi điều lệ lần thứ hai (tháng 4/2016), loại bỏ quy định cổ đông chiến lược không được chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn 5 năm, mục đích dọn đường để Cty Hải Phát có thể mua 15,5% cổ phần của Cty Nam Trí, những người có trách nhiệm của Bộ GTVT tại Cienco5 gần như là “đồng lõa” với việc này.
Người đại diện vốn nhà nước trong HĐQT Cienco5 trước 11/3/2016 |
Được biết, ông Hà Hùng và ông Trương Văn Mạnh (hai đại diện vốn nhà nước tại Cienco5) “hoàn toàn không biết và không tham gia” việc này. Ông Bạch Ngọc Du, Chủ tịch HĐQT thì biết rất rõ và đã ký xác nhận việc chuyển nhượng cổ phần và điều chỉnh trong sổ cổ đông để Cy Hải Phát thay Cty Nam Trí.
Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền của Bộ GTVT đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì người đại diện của Bộ GTVT tại Cienco5 phải có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Bộ đối với việc sửa đổi Điều lệ Cty. Việc những người đại diện vốn nhà nước tại Cienco5 không báo cáo về những sửa đổi quan trọng trong Điều lệ của Cienco 5 là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người đại diện vốn nhà nước, trực tiếp làm tê liệt quyền của cổ đông nhà nước tại Cienco 5.
Với những động thái tạo thuận lợi cho nhóm cổ đông Hải Phát nắm quyền lực tại Cienco5, rõ ràng người đại diện của Bộ GTVT là ông Bạch Ngọc Du, Chủ tịch HĐQT Cienco 5 không thể không có trách nhiệm. Ngay khi thương vụ chuyển nhượng cổ phần cho Hải Phát đã xong, ông Bạch Ngọc Du đã tìm đường đi cho riêng mình, xin chuyển đến Tổng Cty 319, Bộ Quốc phòng. Lúc này, Cty Hải Phát tức tốc phát hành văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị không chuyển công tác đối với ông Du để tiếp tục “giải quyết” các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng cổ phần tại Cienco 5.
Sai phạm có hệ thống
Lý do tại sao Công ty Hải Phát cản đường ông Bạch Ngọc Du rời Cienco 5 thì chưa rõ, nhưng có điều rõ ràng Cty Hải Phát không phải là người duy nhất cản đường ông Bạch Ngọc Du về với TCty 319. Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều đơn gửi Bộ GTVT và cả TCty 319, yêu cầu không chuyển công tác và tiếp nhận ông Bạch Ngọc Du để ông Du phải ở lại “giải quyết hậu quả” và chuyến đi đến TCty 319 của Chủ tịch HĐQT Cienco 5 đã không thành.
TCty 319 thông báo tạm dừng tiếp nhận ông Bạch Ngọc Du và thông báo giải quyết tố cáo ông Du của cơ quan chức năng |
Theo các tài liệu mà Báo Pháp luật Việt Nam đã có, trước khi trở thành Chủ tịch Cienco 5 thay ông Thân Đức Nam ( tháng 6/2013), ông Bạch Ngọc Du là Chủ tịch HĐQT của Cty CP Đầu tư xây dựng 573 (Cty 573). Cty 573 chính là Chi nhánh miền Bắc của Cienco 5 đã được cổ phần hóa nhiều năm trước.
Trong thời gian ông Du làm chủ tịch HĐQT, Cty 573 ký hợp đồng hợp tác với Cty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội để hợp tác xây dựng dự án khu văn phòng và căn hộ cao cấp tại lô đất HH1 (dự án HH1) tại phường Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm. Cuối năm 2009, ông Bạch Ngọc Du đã lấy danh nghĩa chủ đầu tư dự án HH1 để ký hợp đồng hợp tác đầu tư với nhiều doanh nghiệp, cá nhân, thu về hàng chục tỷ đồng. Trong các hợp đồng hợp tác này, Cty 573 cam kết sẽ hoàn thành và bàn giao nhà vào cuối năm 2011.
Tuy nhiên, số tiền thu của các khách hàng này không được Cty 573 đem sử dụng vào việc đầu tư xây dựng dự án HH1 như các cam kết của hợp đồng góp vốn và được sử dụng vào mục đích khác. Đặc biệt, tại thời điểm ký hợp đồng, ông Bạch Ngọc Du đều cam kết là dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2009 và hoàn thành vào cuối năm 2011, nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải như những lời hứa này. Vì, bản thân Cty 573 không phải là chủ đầu tư thật sự của dự án nên không có quyền quyết định thời điểm khởi công dự án.
Hơn nữa, thời điểm Cty 573 thu tiền của khách hàng, chủ đầu tư “thật” chưa hoàn thành thủ tục đầu tư. Đến tháng 1/2012, Cty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội mới có thông báo về việc khởi công công trình này. Như thế, rõ ràng Cty 573 đã lừa dối những người ký hợp đồng năm 2009, 2010.
Theo kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chủ đầu tư của dự án HH1 hoàn toàn không biết việc Cty 573 huy động vốn của nhiều tổ chức, cá nhân. Tổng số tiền mà Cty 573 huy động lên đến gần 70 tỷ đồng. Khi những lời cam kết “hão” của Cty 573 bị lộ tẩy, nhiều khách hàng đã đòi tiền và Cty 573 đã trả được gần 43 tỷ, còn lại hơn 27 tỷ, Cty này vẫn đang cầm giữ của khách hàng.
Theo kết quả thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 15/6/2016, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Công an TP Hà Nội yêu cầu CQĐT điều tra việc Cty CP Đầu tư xây dựng 573 huy động vốn của các tổ chức, cá nhân khi chưa đủ điều kiện và xử lý theo pháp luật.
Từ những sai phạm của Cty 573 và những sai phạm tại Cienco 5, liên quan đến ông Bạch Ngọc Du, đã đến lúc phải làm rõ và truy cứu tận cùng trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại mà Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân đang phải gánh chịu. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vấn đến này trong các số báo tiếp theo.