Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến hết năm 2012, có gần 3,263 triệu hộ nghèo dư nợ với mức bình quân khoảng 16 triệu đồng/hộ, chiếm 53,1% tổng dư nợ cho vay của NHCSXH.
Thúc đẩy quá trình giảm nghèo
Trong giai đoạn 2005-2012, tổng doanh số cho vay của NHCSXH là hơn 199 nghìn tỷ đồng, bình quân đạt hơn 28,4 nghìn tỷ đồng/năm. Tổng dư nợ đến hết năm 2012 tăng gấp 6,2 lần so với năm 2005 (đạt 113.921 tỷ đồng), tập trung chủ yếu vào 6 chương trình tín dụng là: cho vay hộ nghèo (chiếm 36,5%), cho vay học sinh sinh viên (chiếm 31,4%), cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (chiếm 11,3%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (chiếm 9,3%), cho vay giải quyết việc làm (chiếm 5%) và cho vay hỗ trợ nhà ở (3,4%). Riêng các chính sách tín dụng theo Nghị quyết 30a, bắt đầu thực hiện từ năm 2009 với hơn 316 nghìn đối tượng, đã đạt tổng doanh số hơn 4,6 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tính đến cuối năm 2012 là hơn 1.851 tỷ đồng.
Thủ tục cho vay đối với hộ nghèo khá thuận lợi, đơn giản, chủ yếu là tín chấp thông qua các đoàn thể và UBND cấp xã. Việc tổ chức giao dịch tại xã của NHCSXH đã tạo được hệ thống dịch vụ gần dân, thân thiện và có trách nhiệm, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân, mô hình tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ hiệu quả cho từng hộ nghèo.
“Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo” – Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định – “Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước thông qua NHCSXH với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng…”
Nhu cầu lớn, nguồn vốn chính sách còn hạn chế
Đây là một thực tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định sau nhiều chuyến giám sát. Theo đó, tổng nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là đối với chương trình cho vay hộ nghèo mặc dù nguồn vốn này đã tăng từ 14.891 tỷ đồng năm 2005 lên 41.560 tỷ đồng năm 2012 (gấp 2,8 lần so với năm 2005). Từ 2010 đến nay, NHCSXH không được cấp bổ sung vốn điều lệ, một số chương trình vốn bổ sung thấp hoặc chưa bố trí vốn kịp thời.
Một số địa phương đã chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH, nhưng tổng nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư của ngân sách địa phương thấp, chưa đến 3% tổng nguồn vốn huy động (tăng không đáng kể so với tỉ lệ 2,4% năm 2010).
Trong khi đó, vốn tín dụng của các chính sách, chương trình chủ yếu cho vay trung hạn và dài hạn, trong khi nguồn phần lớn là vốn ngắn hạn. Việc cấp bù lãi suất cho vay người nghèo từ ngân sách Nhà nước sẽ gia tăng sức ép đối với việc cân đối ngân sách. Việc bố trí vốn và cấp bù lãi suất, hạch toán nợ giữa ngân sách Nhà nước và Ngân hàng chính sách xã hội vẫn tồn tại chưa có hướng xử lý dứt điểm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, hiện nay, hạn mức cho vay tín dụng còn thấp, lãi suất và thời gian cho vay, hạn mức tối đa cho vay chưa linh hoạt để tạo điều kiện cho hộ gia đình chủ động thực hiện các giải pháp sinh kế thoát nghèo phù hợp, chủ yếu dựa vào định mức của từng chương trình tín dụng.
Việc cho vay sản xuất, kinh doanh chưa gắn kết tốt với việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh, chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa và một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích đã hạn chế hiệu quả của vốn vay…
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu quả của chính sách tín dụng cho vay giải quyết việc làm nên chưa khẳng định được hiệu quả giữa việc cho vay gắn với tạo việc làm ổn định cho người nghèo. Một bộ phận người nghèo vay đi xuất khẩu lao động nhưng do gặp rủi ro phải về nước trước thời hạn nên gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ./.