2018 - Những thách thức trong các hồ sơ quốc tế

Thách thức lớn của EU là “các rạn nứt chính trị” trong khối
Thách thức lớn của EU là “các rạn nứt chính trị” trong khối
(PLO) -Tờ Le Figaro (Pháp) vừa nhấn mạnh hàng loạt thách thức lớn trong hồ sơ quốc tế và nêu bật những biến động quốc tế quan trọng hàng đầu với Liên minh châu Âu (EU). 2018 cũng sẽ là năm chứng kiến những biến chuyển chính trị mang tính quyết định ở Mỹ Latinh với một loạt cuộc bầu cử quan trọng. 

Dấu hỏi từ nước Mỹ

Biến động lớn thứ nhất đến từ tình hình chính trị trong nước Mỹ. Sau 1 năm đầy sóng gió ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11 tới. Để duy trì quyền lực, ông Trump phải tiếp tục có được đa số tại Quốc hội. Với tỉ lệ được lòng dân dưới mức 40%, đây là một nhiệm vụ nan giải đối với đương kim Tổng thống Mỹ. Bầu cử lập pháp chắc chắn sẽ là trọng tâm hoạt động của ông Trump trong năm 2018. 

Vấn đề lớn khác đối với Trump là cuộc điều tra về nghi án Nga can dự vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Trong trường hợp mất đa số tại Quốc hội và cuộc điều tra đưa ra được các bằng chứng, ông Trump có thể phải đối mặt với đe dọa “phế truất”. 

EU có nhiều “chuyện khó”

Biến động quốc tế lớn thứ hai đối với EU là viễn cảnh “một cuộc chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai”, mà theo tờ Le Figaro, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ theo dõi rất sát tình hình. Xung đột bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ bùng phát giữa một bên là nhà lãnh đạo Triều Tiên khăng khăng chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân, có khả năng tấn công Mỹ, bên kia là Tổng thống Mỹ sẵn sàng “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên trong một cuộc tấn công phủ đầu. Nếu chiến tranh không xảy ra, các diễn biến của hồ sơ Triều Tiên cũng “sẽ ảnh hưởng” nhiều đến quan hệ Mỹ-Trung, với viễn cảnh là một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và căng thẳng trỗi dậy tại Biển Đông hoặc hòn đảo Đài Loan. 

Theo tờ Le Figaro, hai thách thức lớn tiếp theo đối với EU là vấn đề nội bộ của liên minh này. Trước hết là tình hình thành lập chính phủ liên minh tại Đức, quốc gia trụ cột của EU cùng với Pháp. Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và đồng minh kỳ vọng đến tháng 3 tới có thể đạt được một thỏa thuận với đảng Xã hội Dân chủ (SPD) đối lập. Hiện tại không có gì chắc chắn về điều này. Ngày 13/1 tới, các lãnh đạo SPD sẽ phải phê chuẩn các chủ đề thương lượng, toàn đảng sẽ bỏ phiếu sau đó. Việc bà Angela Merkel tiếp tục làm Thủ tướng Đức hay không phụ thuộc vào việc lãnh đạo SPD Martin Schulz có thuyết phục được đa số trong đảng ủng hộ một liên minh cầm quyền rộng rãi hay không. Nếu không đạt được thỏa hiệp, cử tri Đức sẽ bầu lại Quốc hội, tình trạng bất ổn chính trị tại Đức sẽ kéo dài. 

Thách thức nội bộ thứ hai của EU là “các rạn nứt chính trị” trong khối. Theo tờ Le Figaro, sau khi đồng euro hồi phục, tăng trưởng trở lại, các rạn nứt tiếp tục đe dọa EU trong năm 2018 là “cuộc nổi dậy của các nước Trung Âu” chống lại Brussels (đặc biệt trong vấn đề chia sẻ gánh nặng người tị nạn, các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền) và làn sóng đòi độc lập tại vùng Catalonia (Tây Ban Nha). Năm 2018 cũng là năm mà EU phải hoàn tất "thủ tục ly hôn" với Anh, cuộc đàm phán còn nhiều chông gai, cho dù các đường nét chung đã rõ ràng. 

Mùa bầu cử ở Mỹ Latinh

Cũng theo Le Figaro, ở các nước như Brazil, Colombia, Mexico, Paraguay và Venezuela, cử tri sẽ lựa chọn vị tổng thống mới của mình trong năm 2018. Còn tại Cuba, nhà lãnh đạo Raul Castro cũng chuẩn bị rút khỏi quyền lực. Những thay đổi ở mỗi nước trên đều có ý nghĩa rất quan trọng bởi sau 1 thập kỷ ghi dấu ấn bằng những chế độ tự xưng là tiến bộ, các quốc gia đó trong năm 2017 đều suy yếu rõ rệt, mất ổn định về mọi mặt. 

Trước tiên là Brazil, quốc gia rộng lớn nhất khu vực Nam Mỹ. Vào  tháng 10/2018, người dân Brazil sẽ đi bầu tổng thống trong bối cảnh chính trị xã hội đất nước có nhiều xáo trộn, nạn tham nhũng tràn lan, liên quan đến hầu hết các chính khách. Tổng thống Michel Temer, thuộc đảng Phong trào Dân chủ Brazil, lên thay thế Tổng thống Dilma Rousseff (thuộc Đảng Lao động cánh tả) sau khi Quốc hội phế truất bà vì các cáo buộc tham nhũng. Chẳng bao lâu sau, Michel Temer cũng bị tố cáo dính líu tới tham nhũng. Người có nhiều triển vọng thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là cựu Tổng thống Lula cũng đang rơi vào "trận đồ" kiện tụng vì tham nhũng. 

Thứ hai là tại Colombia, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 5/2018. Theo Le Figaro, đây là cuộc bầu cử mà người dân sẽ quan tâm đến tương lai của tiến trình hòa bình với lực lượng du kích Farc nhiều hơn là tên của vị tổng thống tương lai của họ. Tổng thống Juan Manuel Santos đã thành công trong việc ký được thỏa thuận hòa bình với lực lượng du kích kháng chiến lâu đời nhất châu lục này, nhưng thỏa thuận này vẫn còn nhiều bất trắc vì không thuyết phục được các phe đối lập. Cuộc bầu cử tổng thống tới tại Colombia sẽ có sự tham gia của ứng cử viên Rodrigo Londono, lãnh đạo lực lượng Farc. Tuy khả năng thắng cử của ông này hầu như không có, nhưng hứa hẹn đây sẽ là cuộc bầu cử nhiều cảm xúc. 

Thứ ba là tại Venezuela. Đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng lớn thời kỳ hậu Chavez. Tổng thống Nicolas Maduro lên nắm quyền năm 2013, đã phải đứng mũi chịu sào với những khó khăn kinh tế và làn sóng phản kháng liên tục và đỉnh điểm là năm 2017. Theo Le Figaro, đã có rất nhiều dấu hiệu cho thấy ông có khả năng bị lật đổ. Thế nhưng, Tổng thống Venezuela không những vẫn giữ được chiếc ghế tổng thống mà còn củng cố thêm vị thế. Các cuộc biểu tình bạo lực làm hơn 100 người chết chỉ trong trong quý I/2017.

Venezuela lún sâu vào khủng hoảng toàn diện, cuộc sống người dân khốn đốn vì đói nghèo. Vậy nhưng, điều ngạc nhiên là tất cả vẫn không làm lung lay quyền lực của Tổng thống Nicolas Maduro. Phe đối lập không vượt qua được sự phân hóa chia rẽ để đương đầu với vị tổng thống đang cố giữ gìn di sản chẳng còn bao nhiêu của Hugo Chavez. Việc Maduro ban hành lệnh cấm các đảng đối lập chính dường như cho thấy con đường tiếp tục nhiệm kỳ mới đang mở ra cho ông trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Chính quyền Maduro muốn tiếp tục làm suy yếu đối lập trước khi ấn định ngày bầu cử. 

Cuối cùng là Cuba. Le Figaro nhận định: “Một cuộc cách mạng đang được chuẩn bị. Hơn một năm sau khi người anh Fidel Castro qua đời, Raul Castro thông báo chính thức sẽ nhường vị trí lãnh đạo đất nước cho một nhân vật khác”. Lần đầu tiên kể từ năm 1959, hòn đảo Cuba sẽ không còn do gia đình Castro lãnh đạo nữa. Đó cũng là sự kiện quan trọng đối với người dân Cuba...

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.