Đại sứ quán (ĐSQ) Thụy Điển, Thanh tra Chính phủ (TTCP) và Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) hôm qua phối hợp tổ chức Đối thoại PCTN lần thứ 8 với chủ đề “PCTN trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai”.
Tham nhũng cản trở lời hứa với Quốc hội
Đại diện Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, cả nước đã cấp hơn 13,8 triệu Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) nông nghiệp, trên 1,1 triệu GCN lâm nghiệp, hơn 3,4 triệu GCN đất ở đô thị…, đạt tỷ lệ trung bình là 75%. Về những con số này, GS – TSKH Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT) nhận định, chúng ta đã phải lùi việc hoàn thành cấp GCN nhiều lần nhưng so với tiến độ đã cam kết với Quốc hội (sẽ xong trong năm 2010) thì vẫn là quá chậm.
Tham gia đề tài nghiên cứu “Đánh giá các yếu tố rủi ro gây tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam” do ĐSQ Thụy Điển, ĐSQ Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành với tư cách chuyên gia phía Việt Nam, ông Võ cho biết, qua kết quả khảo sát, đa số người dân cho rằng để được cấp GCN họ phải sử dụng “cò”, người thân quen, phải chi “quà cáp” cho cán bộ nhà nước.
Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần 8. |
Còn qua công tác thanh tra những năm gần đây, TTCP đã “điểm mặt” một số dạng sai phạm cơ bản trong lĩnh vực đất đai như sai phạm trong quy hoạch đất đai, trong kế hoạch sử dụng đất và trong đăng ký QSDĐ, cấp GCN.
Phó Vụ trưởng Vụ I Lê Thế Chiến nhấn mạnh, dạng sai phạm ít, khó phát hiện song hậu quả lại rất lớn, gây lãng phí, khó khắc phục, thậm chí không sửa chữa được chính là lập quy hoạch sai. “Tình trạng quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuât, làng nghề vào các vùng dân cư tập trung, sử dụng toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, quy hoạch khu đô thị sinh thái rồi bỏ dở dang như dự án xây dựng nhà vườn sinh thái của Công ty TNHH Cao Hà tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên”, ông Chiến dẫn chứng.
Minh bạch là công cụ cơ bản
Đại diện các Đối tác phát triển đều nhìn nhận Việt Nam đã có những cam kết chính trị và các quy chế, luật pháp đã được xây dựng để phòng tránh các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai. Tuy nhiên, quá trình thực thi pháp luật và hệ thống giám sát vẫn còn yếu và chậm. “Quy trình đăng ký quyền sử dụng đất rườm rà, quá quan liêu và chỉ có 1% những người khiếu nại có liên quan đến vấn đề đất đai là hài lòng với việc giải quyết. Đây chính là môi trường cho tham nhũng phát triển”, Đại sứ Thụy Điển Staffan Herrstrom nói.
Về giải pháp PCTN trong lĩnh vực đất đai, đại diện Thanh tra Bộ TNMT khẳng định, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cũng như rà soát, lập danh mục các vụ án tham nhũng về đất đai ở các địa phương để tập trung chỉ đạo xử lý. Ngoài ra, cùng với đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Bộ sẽ ban hành các chế độ, định mức, tiêu chuẩn về lĩnh vực đất đai, thực hiện đấu giá QSDĐ đối với những dự án ở các vị trí có giá trị sinh lời cao.
Riêng trong năm 2010, Bộ đã đề nghị ban hành và ban hành theo thẩm quyền 8 VBQPPL về đất đai nhằm kinh tế hóa tài nguyên đất đai, loại bỏ dần cơ chế “xin - cho”. Bộ cũng đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai trình Chính phủ vào năm 2012 và trình Quốc hội thông qua vào năm 2013.
Đại diện Cơ quan phát triển Anh kiến nghị, Việt Nam cần tăng cường minh bạch, công khai thông tin hơn nữa trong lĩnh vực đất đai; Bởi khi mà điều kiện tiếp cận thông tin của người bị hạn chế thì khó có thể giảm bớt tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai. Ông James Anderson (WB) đề xuất, Việt Nam cần giải quyết các nguyên nhân căn bản dẫn đến những đặc lợi lớn (giá đất do cán bộ chứ không do thị trường quyết định, chỉ định các nhà đầu tư…) trong quản lý đất đai như giảm bớt sử dụng hình thức cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp của tư nhân, sử dụng nhiều hơn hình thức đấu giá đất và đấu giá dự án có sử dụng đất…
“Số người dân khiếu nại về đất đai quá nhiều, đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện tính liêm chính trong bộ máy nhà nước. Nên chăng Việt Nam bắt buộc kê khai tài sản của cán bộ địa chính nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng thông tin cho mục đích cá nhân của đội ngũ này?”, đại diện ĐSQ Đan Mạch nêu câu hỏi.
Hoan nghênh kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai 2003 của Việt Nam, ông Herrstrom đúc rút: "Minh bạch là công cụ cơ bản, hiệu quả và nếu kết hợp điều này với việc tạo khả năng đảm bảo trách nhiệm giải trình thì nhiều việc sẽ đạt được".
Hoàng Thư