Bị cáo có phải chứng minh sự vô tội của mình?
Trong vụ án này, đã không có một nhân chứng, vật chứng trực tiếp giúp Cơ quan điều tra (CQĐT) tìm được hung thủ mà việc “phá án” phải dựa vào cái gọi là “bản tự thú” khi Long đang bị giam giữ về một hành vi “không phạm tội”.
Tuy nhiên, theo những gì mà HĐTP TANDTC đã chỉ ra thì lời tự thú của Long lại không hề phù hợp, thậm chí là mâu thuẫn với các chứng cứ khác.
Theo “đơn tự thú”, Long hiếp dâm và giết cháu Y trong lúc chờ chị Yên và chị Sổ xát gạo. Nhưng sau này, bị can đã chối tội và khai, lúc chị Yên xát gạo thì Long ngồi ở bệ cửa nói chuyện với chị Sổ. Khi chị Yên xát xong, Long nhường chị Sổ xát trước và ngồi một mình trong nhà máy xát.
Liên quan đến tố cáo của Long về việc bị ép cung, Luật sư (LS) Ngô Ngọc Trai đã đề cập đến việc ĐTV đã bỏ ngoài hồ sơ 49 tài liệu liên quan đến vụ án. Việc này chỉ bị phanh phui khi CA tỉnh Bắc Giang tiến hành khám tủ làm việc khi ĐTV này bị chết khi đang điều tra vụ án. Trong số 49 tài liệu này, có rất nhiều bản viết tay không hoàn chỉnh đơn xin đầu thú của Long. Có thể ở trong trại giam, Long đã bị ép “tập viết” nhiều lần, viết cho trôi chảy, viết cho thuộc các tình tiết, bị ép viết cho đến khi đạt yêu cầu và “giống như thật” mới thôi.
Khi Long khăng khăng rằng không hiếp, giết cháu Y thì lại bị cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm bác bỏ chỉ vì đã không có nhân chứng nào biết Long làm gì trong lúc chị Yên, chị Sổ xát gạo.
Vậy là ở đây xuất hiện nghịch lý, để chứng minh sự vô tội của mình, bị cáo phải có chứng cứ ngoại phạm. Mặc dù đây không phải là trách nhiệm của bị cáo. Khi bị cáo không có các chứng cứ để chứng minh sự ngoại phạm cho mình thì bị Tòa “bác” lời chối tội.
Người xát gạo cùng với Long là chị Sổ khai: “Lúc chị Yên xát gạo thì Long đi ra ngồi ngoài càng xe cải tiến rồi anh Long đi đâu tôi không biết” và “khi chị Yên đang chà gạo sắp xong thì tôi hỏi Long nhường cho xát”.
Luật sư Ngô Ngọc Trai cho rằng, chính việc Long có mặt tại quán xát gạo lúc chị Yên đang xát gạo là một chứng cứ ngoại phạm chứng tỏ Long không giết, hiếp cháu Y. Nhưng chỉ trong khoảng thời gian rất ít mà mọi người không để ý đến Long đã làm gì mà Long lại bị suy diễn là “thực hiện tội phạm”.
“Tự thú” nhưng không logic
Theo lời khai của nhân chứng Sổ trên đây thì dù cơ quan tố tụng có bác bỏ lời khai của Long về việc ngồi trong quán xát gạo vẫn không thể biết Long vắng mặt ở quán trong bao lâu? Thời gian vắng mặt này có đủ để Long bắt, bế, hiếp, vứt xác cháu Y, vấp ngã và rửa chân tay… rồi trở về quán xát gạo để xát gạo liền sau chị Sổ hay không?
CQĐT cũng đã tiến hành thực nghiệm và kết luận hành trình của Long hết 19 phút 23 giây. Nhưng kết quả “19 phút 23 giây” đã bị HĐTP TANDTC bác bỏ vì người đóng thế Long là người cao to hơn bị cáo, còn vật thực nghiệm lại chỉ là một thân cây chuối, nặng 10kg (trong khi cháu Y nặng 14-15kg).
Sau này, khi thực nghiệm lại, CQĐT đã “nâng” thời gian thực hiện tội phạm của Long lên 20 phút 54 giây, phù hợp với thời gian mà chị Yên và chị Sổ xát gạo, mỗi người xát một bao thóc (mỗi bao thóc hết 17 phút 45 giây).
Luật sư Phạm Văn Cương (VPLS T- H)- người từng bào chữa cho Long đánh giá, để đi và về trên quãng đường 1,7km đường đồng gập ghềnh và còn phải dừng lại để nghe ngóng hoặc phải lội qua mương nước để tránh bị phát hiện, lội ngược dòng nước hàng trăm mét… rồi mới thực hiện hành vi giao cấu với cháu Y thì Long phải tốn hơn 20 phút 54 giây rất nhiều. Đó là chưa kể thời gian nạn nhân có thể đã giãy giụa khi bị người khác bắt, bế ra đồng.
Qua tính toán thời gian chạy máy từ 17h46 đến 20h15, để xát 10 bao thóc, nghiền một bao thóc cùng 20kg ngô (theo lời khai của anh Nam) thì nghiền gấp đôi thời gian xát. Luật sư Cương cho hay: “thời gian trung bình để xát một bao thóc chỉ là 11 phút 3 giây chứ không đến 17 phút”.
Ngoài ra, theo lời khai của chị Sổ thì Long đi ra ngoài quán xát gạo khi chị Yên đã xát gạo gần xong. Như vậy, thời gian mà mọi người tại quán xát gạo không biết Long đi đâu cũng chỉ hơn thời gian chị Sổ xát một bao thóc một chút chứ không thể là thời gian xát 2 bao thóc, tức là chỉ hơn 11 phút 3 giây. Với thời gian này, Long không thể thực hiện một loạt các hành vi trong khoảng hơn 20 phút.
Theo đơn tự thú, có nhiều thời điểm Long lội ở mương nước nhưng CQĐT cũng không làm rõ độ sâu của mương nước, ngòi nước là bao nhiêu và quần áo Long có bị ướt không? Sau này, khi điều tra lại thì CQĐT cũng không xác định được quần áo của Long có bị ướt khi xát gạo hay không?
Mâu thuẫn giữa lời tự thú của Long với kết luận giám định còn thể hiện ở chỗ Long không có lời khai nào về việc tác động vào trán nạn nhân và không thực hiện giao hợp với cháu Y.
Nhưng kết luận giám định cho thấy, nạn nhân có “tổn thương sây sát da bầm tím hình cung” ở trán; còn tổn thương rách màng trinh và một phần da cơ tầng sinh môn phía sau thì bị nghi là “có khả năng bị dương vật của đối tượng tạo nên”. Vô lý hơn trong lời tự thú này là việc Long đã thỏa mãn “nhu cầu” rồi nhưng vẫn tiếp tục “cắn vào môi” cháu Y khi bế cháu Y đi ngược bờ mương…