Việc tiếp nhận, bảo quản vật chứng và tài sản tạm giữ đã được cơ quan THADS phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án thực hiện giao nhận đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, các cơ quan THADS đã tiếp nhận, bảo quản vật chứng đầy đủ, nguyên vẹn và an toàn. Nhiều cơ quan THADS đã thực hiện kiểm kê định kỳ, phân loại tang vật, tài sản tạm giữ, thực hiện niêm phong tài sản như: tang vật, tài sản trong các vụ việc Cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết và tang vật, tài sản đã có quyết định thi hành án... Tang vật, tài sản tạm giữ trong kho được dán nhãn theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ Tư pháp, các tang vật có tính chất đặc thù như các loại ma túy, tài sản có giá trị… được bảo quản theo chế độ riêng.
Việc tiêu hủy vật chứng cũng được các cơ quan THADS thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát của Kiểm sát viên VKSND cùng cấp, nhiều vụ tiêu hủy tang vật lớn còn có sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan, Ban chỉ đạo THADS cùng cấp. Việc xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ tịch thu sung công và tiêu hủy về cơ bản đã được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác quản lý kho vật chứng và tài sản tạm giữ vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như ở một số cơ quan THADS, Thủ trưởng chưa thực sự quan tâm đến công tác này mà giao toàn bộ nhiệm vụ này cho Thủ kho. Do vậy, Thủ trưởng hoặc người được ủy quyền không nắm được số lượng tài sản, tang vật có trong kho, thậm chí có đơn vị, kế toán nghiệp vụ cũng thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý kho vật chứng theo quy định của Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ THADS.
Nhiều cơ quan THADS vẫn chưa ban hành Nội quy quản lý kho vật chứng, chưa thực hiện việc kiểm kê định kỳ theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ Tư pháp. Hàng năm, lượng vật chứng chuyển sang cơ quan THADS ngày càng nhiều, quá trình xét xử một số vụ việc kéo dài làm mất giá trị sử dụng của tài sản, vật chứng, tốn kém chi phí bảo quản. Đặc biệt, một số loại vật chứng đặc thù có thể gây nguy hiểm, mất an toàn như pháo, vật liệu nổ, hóa chất độc hại... nhưng không có kho bảo quản riêng, mà vẫn phải bảo quản chung với các loại vật chứng, tài sản thông thường khác nên không đảm bảo an toàn.
Đối với các vật chứng, tài sản có kích cỡ lớn như tàu, thuyền, ô tô, xe tải... thì việc tiếp nhận rất khó khăn do diện tích kho tang vật không đáp ứng được nên cơ quan THADS phải thuê bến, bãi neo đậu và hợp đồng gửi giữ trong khi nguồn kinh phí rất hạn chế. Ngoài ra, nhiều tài sản không được niêm phong theo quy định, tài sản để ở sân, ở gầm cầu thang… dẫn đến tình trạng bị xuống cấp, hư hỏng, dễ bị lấy cắp hoặc tráo đổi.
Để phần nào khắc phục các bất cập trên, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác chuyển giao, tiếp nhận, quản lý, xử lý tang vật và tài sản tạm giữ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan THADS. Theo đó, cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng; ban hành quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ tại các cơ quan THADS. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về tiếp nhận, bảo quản, niêm phong các loại vật chứng đặc biệt như các loại ma túy, chất độc, hóa chất nguy hiểm, các loại tài sản có giá trị lớn.
Hiện nay, vẫn còn hơn 500 Chi cục THADS chưa có kho vật chứng, trong khi đó, số lượng tang vật, tài sản tạm giữ ngày càng lớn, nhiều tang vật đặc thù, có giá trị lớn nên Bộ Tư pháp cần quan tâm hơn nữa tới công tác xây dựng kho vật chứng ở các cơ quan THADS cấp huyện. Đồng thời, Thủ trưởng các cơ quan THADS phải ban hành Nội quy kho vật chứng theo Điều 5 của Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/02/2017; định kỳ kiểm đếm vật chứng, tài sản tạm giữ một cách nghiêm túc, sau đó thực hiện đối chiếu với sổ sách kế toán, thủ kho và biên bản chuyển giao tang vật, vật chứng, tài sản.
Đa số thủ kho của các cơ quan THADS đều kiêm nhiệm, vì vậy, cần tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ, bồi dưỡng đạo đức công vụ để nâng cao nhận thức, hành động của đội ngũ công chức làm nhiệm vụ thủ kho. Mặt khác, cần kịp thời thay thế các cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, không nghiêm túc trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, định kỳ luân chuyển vị trí công tác của cán bộ làm thủ kho vật chứng để hạn chế các sai phạm.