ASEAN, Mỹ, Nhật bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa trên Biển Đông

Các Bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ. Ảnh: Website ASEAN.
Các Bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ. Ảnh: Website ASEAN.
(PLVN) - Các nước cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa trên Biển Đông, trong đó có việc quân sự hoá và các họat động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. 

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, tiếp theo các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan, chiều 1/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ.

Tại Hội nghị, thay mặt các nước ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Saleumxay Kommasith - nước điều phối quan hệ ASEAN-Mỹ, khẳng định quan hệ ASEAN-Mỹ tiếp tục củng cố và tăng cường trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. 

Chia sẻ nhận định này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá cao cam kết của Mỹ đối với ASEAN và khu vực, hoan nghênh Mỹ tiếp tục đóng góp tích cực và xây dựng cho các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, ủng hộ đoàn kết và vai trò trò trung tâm của ASEAN. 

Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hợp tác biển, đảm bảo an ninh mạng, chống khủng bố và bạo lực cực đoan, quản trị tốt, kết nối số, hợp tác thành phố thông minh, năng lượng, giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác tiểu vùng Mê Kông. 

Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, các Bộ trưởng đã bàn về những diễn biến phức tạp gần đây ở khu vực, trong đó tình hình Biển Đông. Một mặt ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC, các nước cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hoá và các họat động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. 

Các nước ASEAN và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC và hướng đến hoàn tất Bộ quy tắc COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo Mỹ khẳng định luôn là bạn và là đối tác tin cậy của ASEAN, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN đóng góp duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có tiếng nói kiên quyết, không nên lảng tránh những vấn đề phức tạp. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chia sẻ đánh giá của các nước ASEAN về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Mỹ, khẳng định sẽ phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác giữa hai bên thực chất, nhất là  đẩy mạnh trao đổi thương mại-đầu tư, đổi mới công nghệ và sáng tạo, thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0, năng lượng, phát triển hạ tầng. 

Về tình hình Biển Đông, Phó thủ tướng nêu rõ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển; không quân sự hoá, kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trước đó, sáng 1/8, là nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nhật Bản. 

Phát biểu chung thay mặt ASEAN, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã phát triển bền chặt hơn 45 năm qua, chia sẻ tin cậy và hiểu biết, đem lại những lợi ích lớn lao cho hai bên và đóng góp vào hoà bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.

Phó Thủ tướng hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản thời gian qua trên các trụ cột “đối tác vì hòa bình, ổn định; vì thịnh vượng; vì chất lượng cuộc sống và từ trái tim đến trái tim”, trong đó có việc Lãnh đạo hai bên thông qua Tuyên bố chung nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hai bên tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 21, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đẩy mạnh quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện ASEAN-Nhật Bản. 

Các bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nhật Bản.
Các bộ trưởng dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nhật Bản.

Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh và các nước ASEAN đề xuất một số định hướng hợp tác trong giai đoạn tới giữa ASEAN-Nhật Bản gồm tăng cường phối hợp và gắn kết chặt chẽ tại các diễn đàn do ASEAN chủ trì; đóng góp thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, đề cao luật pháp quốc tế, xây dựng và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử chung, ứng phó hiệu quả với các thách thức đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư, sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mở rộng hợp tác kết nối, đổi mới, sáng tạo, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân và hợp tác trên các lĩnh vực đem lại lợi ích thiết thực cho người dân như biến đổi khí hậu, chăm sóc người cao tuổi, ứng phó với thiên tai, phát triển môi trường bền vững.

Trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC song cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp trên thực địa, nhất là quân sự hóa và các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, dẫn đến xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khu vực, bao gồm Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhấn mạnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và khuyến khích các nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh tiếng nói xây dựng, tích cực của Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, cùng đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển./.

Tin cùng chuyên mục

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

Đọc thêm

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này

2 sự kiện quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này, thế giới hướng tới hai ngày lễ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc: Ngày Di dân Quốc tế (18/12) tôn vinh những đóng góp của người di cư và Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12) ) kêu gọi sự thống nhất và chia sẻ để xóa đói giảm nghèo.

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua

Nhiều vụ việc đáng tiếc trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới trải qua một tuần đầy biến động với hàng loạt vụ việc thương tâm: Nữ sinh Nhật Bản bị đâm chết tại nhà hàng, nhà sáng lập Mango tử nạn, xả súng kinh hoàng tại Pháp, cháy bệnh viện ở Ấn Độ…

Hành trình “dọn rác” mạng xã hội: Kinh nghiệm từ các quốc gia

Các đạo luật mới ra đời nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi tiêu cực của người dùng trên mạng xã hội. (Nguồn: safegate.vn)
(PLVN) - Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối mà còn trở thành trung tâm phát tán thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, không gian này cũng trở thành “bãi rác” khổng lồ với những nội dung độc hại, tin giả và lời nói căm thù. Việc kiểm soát và “dọn rác” mạng xã hội đã trở thành thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia trên thế giới.