Tổng thống 'đại gia' sở hữu 500 triệu đô, đất rộng 'thẳng cánh cò bay'

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta
(PLO) - Là con trai của tổng thống đầu tiên của Kenya, ông Uhuru Kenyatta có nhiều thuận lợi trên con đường danh lợi. Sau nhiều tranh cãi vì cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người, ông hiện là tổng thống của Kenya và là 1 trong những người giàu nhất nước. 

“Con vua rồi lại làm vua”?

Ông Uhuru Kenyatta sinh năm 1961, là con của Tổng thống đầu tiên, cũng là nhà lập quốc Kenya - Jomo Kenyatta. Ngay từ khi sinh ra, Kenyatta đã có mọi thứ, bao gồm cả tài sản, danh vọng cho đến gánh nặng kế vị. 

Khi còn nhỏ, ông được cho theo học tại một trong những trường học tốt nhất ở Nairobi trước khi sang Mỹ theo học ngành khoa học chính trị và kinh tế tại trường Đại học Amherst. Về nước, ông mở công ty riêng và kinh doanh khá hiệu quả. 

Khi còn trẻ, Kenyatta được cho là đã luôn tìm cách tránh xa chính trị, thay vào đó chỉ muốn trở thành một người bình thường như bao người Kenya khác. Mặc dù vậy, gia đình vẫn hướng ông theo con đường của cha. Từ những năm 1990, ông bắt đầu tham chính. 

Theo các chuyên gia, dù không có năng khiếu diễn thuyết bẩm sinh nhưng với sức nặng từ gia thế của mình, Kenyatta vẫn là một nhân vật có tiếng nói mạnh mẽ và có sức thuyết phục.

Năm 1997, Kenyatta được bầu làm chủ tịch đảng Kanu cầm quyền tại quê nhà. Chỉ 4 năm sau đó, năm 2001, ông được bầu vào quốc hội Kenya và sau đó ít lâu thì được đương kim Tổng thống Kenya lúc đó là Daniel Moi chọn làm người kế nhiệm. 

Quyết định chọn một nhân vật còn rất trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị của ông Moi đã khiến những nhân vật hàng đầu trong đảng Kanu nổi giận. Một số người đã rời khỏi Kanu và lập Liên minh cầu vồng quốc gia cùng các đảng đối lập. Tại cuộc bầu cử năm 2002, Liên minh này đã giành chiến thắng vang dội và Kenyatta mất cơ hội trở thành lãnh đạo.

Tại cuộc bầu cử năm 2007, đảng Kanu gia nhập liên minh với một đảng khác. Theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, sau bầu cử, Kenyatta trở thành Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng tài chính của Kenya. 

Ở cương vị này, Kenyatta nhận được nhiều lời tán dương với các chính sách đầu tư vào an ninh lương thực, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và đổi mới. Ông cũng gây tiếng vang trên khắp thế giới khi đề nghị các bộ trưởng trong Chính phủ và các quan chức khác từ bỏ xe công hiệu Mercedes để chấp nhận sử dụng xe cấp thấp hơn. 

Nhiều người cũng ấn tượng với việc ông này tích cực thúc đẩy tinh thần công khai, minh bạch của Chính phủ, nổi bật nhất là việc công khai tình hình ngân sách và đề nghị người dân cho ý kiến thông qua mạng xã hội vào năm 2011. 

Tại cuộc bầu cử tổng thống Kenya năm 2013, liên minh của ông Kenyatta giành chiến thắng và ông trở thành tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử Kenya.

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta

Tại thời điểm đắc cử tổng thống, ông Kenyatta được tạp chí Forbes xếp ở vị trí thứ 26 trong danh sách những người giàu nhất châu Phi với khối tài sản ước tính khoảng 500 triệu USD. Gia đình ông sở hữu kênh truyền hình K24, tờ báo The People và một số đài phát thanh. 

Ngoài ra, họ còn nắm trong tay nhiều công ty lớn hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, ngân hàng, xây dựng, sữa và bảo hiểm tại Kenya. Theo các nguồn tin, gia đình Kenyatta sở hữu đất trên khắp cả nước, với những thửa đất rộng mênh mông ở thung lũng Rift và các khu vực ven biển, hay miền trung Kenya. 

Tổng thống kỹ thuật số

Ông Kenyatta được nhiều người Kenya mến mộ với tuyên bố sẽ trở thành một “tổng thống kỹ thuật số”. Tuyên bố này không chỉ là cách nói ẩn dụ về tuổi trẻ của ông mà còn là chiến lược chính trị nhằm lấy lòng những cử tri trẻ tuổi của ông, về tham vọng đưa Kenya trở thành một trung tâm đổi mới kỹ thuật số của châu lục. 

Theo hướng này, sau khi lên nắm quyền, ông Kenyatta đã thực hiện cam kết được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử là phân phát máy tính xách tay tới các trường tiểu học để học sinh được tiếp cận máy tính từ khi còn nhỏ. Chính phủ của ông cũng đã khai trương những trung tâm điện tử - là những cửa hàng một điểm dừng để người dân có thể tiếp cận và thanh toán các dịch vụ công nhằm giảm thiểu tình trạng quan liêu, tham nhũng của các công chức.

Nhờ đó, người dân Kenya hiện nay đã có thể nộp thuế, nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, giấy phép lái xe, chứng minh thư và tiếp cận các dịch vụ khác của chính phủ qua internet, từ đó cắt giảm thời gian xếp hàng chờ làm thủ tục.

Chính phủ của ông Kenyatta cũng đã thành lập một cổng thông tin điện tử để người dân có thể theo dõi các dự án của chính phủ và một cổng thông tin khác để trình báo các vụ việc tham nhũng trực tiếp tới tổng thống. 

Cũng nhằm xây dựng hình ảnh của một tổng thống hiện đại, ông Kenyatta hoạt động rất tích cực trên các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter và không ngại ngùng hưởng ứng các xu hướng nổi bật trên mạng xã hội. Nhờ đó mà ông rất được lòng các cử tri trẻ tuổi.

Ra hầu tòa quốc tế

Nói đến ông Kenyatta không thể không nhắc đến việc ông là nguyên thủ quốc gia đầu tiên phải ra hầu tòa tại Tòa án hình sự quốc tế (ICC). Cuộc điều tra của ICC nhằm vào ông Kenyatta được khởi động chỉ ít lâu sau cuộc bầu cử tổng thống tại Kenya tháng 12/2007. 

Sau gần 3 năm điều tra, đến cuối năm 2010, ông Kenyatta chính thức bị ICC xác định là một trong 6 nghi phạm đã kích động làn sóng bạo lực sau bầu cử khiến hơn 1.200 người thiệt mạng. 

Dù ông Kenyatta đã bác bỏ cáo buộc, khẳng định mình vô tội nhưng đến tháng 1/2012, ICC quyết định truy tố ông ta về cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người. Theo các công tố viên, ông Kenyatta đã giúp huy động và tài trợ tiền cho băng nhóm Mungiki để nhóm này tấn công những người ủng hộ Tổng thống đắc cử Odinga sau khi kết quả bầu cử năm 2007 được công bố. 

Tháng 4/2013, ông Kenyatta tuyên thệ nhậm chức và đến tháng 10/2014, sau nhiều lần trì hoãn, phiên tòa xét xử ông này tại ICC chính thức được khởi động. Ông Kenyatta trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên trên thế giới phải ra hầu tòa tại ICC.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2014, cơ quan công tố của ICC đã hủy bỏ các cáo buộc chống lại ông Kenyatta với lý do Chính phủ Kenya đã cản trở ICC thu thập những bằng chứng quan trọng và việc các nhân chứng liên tục bị đe dọa. Các thẩm phán của ICC chính thức phê chuẩn việc rút lại các cáo buộc  và hủy bỏ tiến trình tố tụng vào tháng 3/2015. 

Trong thời gian cầm quyền, ông Kenyatta cũng bị phe đối lập cáo buộc ngăn cản tự do ngôn luận. Năm 2016, một nhà báo của tờ Daily Nation – tờ báo lớn nhất của Kenya – đã bị sa thải mà nguyên nhân được cho là do ông này đã viết một bài xã luận chỉ trích các chính sách kinh tế của tổng thống. Họa sỹ biếm họa hàng đầu của Kenya Gaddo cũng được cho là đã bị sa thải vì vẽ tranh châm biếm về những rắc rối mà tổng thống gặp phải tại ICC. 

Dù tăng trưởng kinh tế đạt mức trung bình 5% mỗi năm kể từ khi ông Kenyatta trở thành tổng thống và mức đầu tư nước ngoài vào Kenya liên tục tăng nhưng nhiều người ở đây vẫn nói rằng họ không cảm nhận được hiệu quả của tăng trưởng. Bên cạnh đó, Chính phủ Kenya cũng bị cáo buộc đã vay mượn quá nhiều, được cho là nhiều hơn cả tổng số tiền mà các chính phủ tiền nhiệm của Kenya đã vay. Tổng nợ của Kenya hiện được cho là vào khoảng 26 tỉ USD. 

Ngoài ra, Chính phủ của ông Kenyatta cũng liên tục vướng vào những cáo buộc tham nhũng. Theo báo cáo về chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức minh bạch quốc tế được công bố năm 2016, Kenya xếp thứ 145/176 quốc gia được xếp hạng. Tổ chức này cho rằng các cơ quan chống tham nhũng của Kenya không có năng lực và hoạt động không hiệu quả, dẫn đến việc các cá nhân có hành vi tham nhũng không bị trừng phạt. 

Bản thân ông Kenyatta hồi năm 2015 cũng đã phải ra lệnh đình chỉ chức vụ và sau đó là sa thải 5 bộ trưởng cùng nhiều quan chức cấp cao khác trong chính phủ vì những cáo buộc tham nhũng. Nhưng, bất chấp những lùm xùm và tranh cãi, tại cuộc bầu cử năm 2017, ông Kenyatta đã chính thức tái đắc cử tổng thống Kenya.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.