Sở “cầu cứu” Bộ
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hải Dương, tổng diện tích cà rốt vụ đông toàn tỉnh năm nay khoảng 1.200 ha, trong đó tổng diện tích riêng 2 xã Đức Chính và Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng) đã chiếm hơn 50% toàn tỉnh. Điệp khúc “được mùa rớt giá” đã lặp lại với củ cà rốt của Hải Dương khi giá rớt xuống dưới 50% so với giá thường ngày.
Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, hiện diện tích cà rốt chưa thu hoạch của tỉnh Hải Dương còn khoảng 550ha/tổng diện tích 1.200ha; sản lượng chưa thu hoạch còn khoảng 19.000-20.000 tấn. Ông Vũ Văn Quỳnh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Cẩm Giàng cho biết, người dân Cẩm Giàng không chỉ trồng cà rốt trên đất “nhà” mà còn thuê thêm một số diện tích ven sông ở các địa phương lân cận nên số lượng dư thừa dồn ứ còn nhiều hơn.
Ngay trước Tết, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã kêu gọi một số đơn vị, doanh nghiệp (DN) tham gia tiêu thụ giúp nông dân; Hợp tác xã cũng đã hợp tác liên kết tiêu thụ cà rốt cho nông dân Hải Dương. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ qua các kênh này hiện vẫn khiêm tốn so với sản lượng cà rốt khổng lồ toàn tỉnh.
Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương vừa có Công văn số 196/SNN-TT gửi Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt; các DN, công ty, siêu thị, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan… về việc đẩy mạnh tiêu thụ cà rốt Hải Dương 2019.
Công văn cho biết, hiện cà rốt vụ đông xuân 2018-2019 bắt đầu thu hoạch rộ. Để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ cà rốt thuận lợi, ổn định, bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân trong năm nay và các năm tới, Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị Bộ NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị, DN, thương lái phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cà rốt Hải Dương.
Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị DN, công ty, siêu thị, thương lái, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh khẩn trương hợp đồng, đặt hàng với các hợp tác xã, các công ty, thương lái trong tỉnh để mua bán, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân từ nay đến hết vụ (khoảng tháng 4/2019); Tăng cường tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cà rốt trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu (XK).
Ngoài ra, cần tăng thu mua cà rốt, tích trữ bảo quản trong các kho lạnh bán dần. Tăng cường công xuất chế biến sản phẩm cà rốt khô cung cấp cho các nhà máy làm gia vị và tìm kiếm thị trường XK sản phẩm chế biến; Tăng cường liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn của công ty, không ép giá khi thu mua và thúc đẩy liên kết bền vững, lâu dài đôi bên cùng có lợi.
Big C tiếp tục… “giải cứu” cà rốt
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Giàng cho biết thêm, giá cà rốt tại ruộng hiện đã xuống rất thấp, xuống dưới 2.000 đồng/kg (giá bán từ 4.000 đồng/kg trở lên mới có lãi). Nhiều đơn vị tư nhân, là các khách hàng cũ của bà con nông dân vẫn đến thu mua nhưng không xuể. Ông mong muốn Nhà nước có một điểm thu mua tập trung để bà con có động lực thu hoạch vì “hiện nay không còn ai muốn thu hoạch nữa” - ông Quỳnh nói.
Trong khi đó, tiếp tục chiến dịch “giải cứu” từ trước Tết, lãnh đạo Hệ thống siêu thị Big C đã về Hải Dương để khảo sát mùa vụ, chất lượng cà rốt Hải Dương, nhằm đẩy mạnh hoạt động thu mua, tiêu thụ cà rốt, hỗ trợ bà con nông dân, tránh lâm vào tình cảnh “được mùa mất giá”.
Đại diện Big C cho biết, Big C đã bàn bạc, thống nhất giá cả, tạo điều kiện thuận lợi để có thể thu mua khoảng 100 tấn cà rốt Hải Dương (đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu chuẩn chất lượng của Big C - chất lượng loại 1), với giá 5.500 đồng/kg và số cà rốt này sẽ được bán với giá tốt nhất để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Thời gian tiêu thụ dự kiến là 01 tháng (tính từ 14/2/2019), đồng thời Big C mở rộng điểm bán cà rốt ra toàn bộ hệ thống (36 siêu thị) tại 21 tỉnh, thành trên toàn quốc (thay vì chỉ ở 15 siêu thị Big C miền Bắc như đợt tiêu thụ cà rốt dịp trước Tết Nguyên đán).
Được biết, năm nay, diện tích trồng cà rốt của tỉnh Hải Dương chỉ tăng hơn vài chục héc-ta so với mùa vụ năm trước. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Hà, sản lượng còn khá nhiều là do tiêu thụ trong nước từ trước Tết có phần khiêm tốn. Trong khi, các thị trường xuất khẩu chính của cà rốt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Trung Đông và Châu Âu cũng tiêu thụ khá chậm, do khí hậu thuận lợi, các nước cũng được mùa cà rốt.