Cho rằng yêu cầu xin ly hôn của anh T là không đúng, chị B. (vợ anh T) đã mang quần áo, tư trang của anh T để trên bàn của Thẩm phán TAND quận Ba Đình (Hà Nội) nhằm chứng minh là hai vợ chồng vẫn còn chung sống hạnh phúc, không ly thân. Anh Bắc phản ứng quyết liệt, cho rằng hành vi này là xâm phạm đời tư, gây cho anh bức xúc và cho rằng không có gì chứng minh đống quần áo kia là của mình.
Lại có trường hợp người vợ đã viết tay, thừa nhận ngoại tình nhưng tại phiên tòa lại một mực khăng khăng cho rằng do chồng ngụy tạo, cắt dán chữ viết, chữ ký vào văn bản và đề nghị HĐXX cho giám định chữ ký, chữ viết. Sau đó, HĐXX đã chấp nhận yêu cầu này và quyết định tạm ngừng phiên tòa để tiến hành trưng cầu giám định chữ ký, chữa viết. Phải mất gần 2 tháng sau, phiên tòa mới được tiếp tục xét xử...
Như vậy, chứng cứ trong vụ án ly hôn được các đương sự hiểu như thế nào là vấn đề hoàn toàn không đơn giản.
Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) năm 2015 quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Chứng cứ có thể được đương sự giao nộp cho tòa án nhưng không phải tất cả những gì mà đương sự nộp, xuất trình cho tòa án cũng đều được coi là chứng cứ. Thực chất, đó mới chỉ là nguồn chứng cứ. Còn việc xác định đó có phải là chứng cứ hay không thì phải được tòa án xem xét theo quy định tại điều 95 Bộ luật TTDS. Ví dụ: Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
Trở lại với tình tiết trên, việc người chồng cung cấp cho tòa án và khai rằng người vợ có giấy viết tay nhưng khi ra tòa người vợ không thừa nhận thì đây cũng là việc hết sức bình thường. HĐXX cũng không thể xác định giấy viết tay đó là chứng cứ nếu người vợ không thừa nhận. Do đó, việc HĐXX tạm ngừng phiên tòa để trưng cầu giám định chữ viết, chữ ký của người vợ trên giấy viết tay là cần thiết và phù hợp quy định của Bộ luật TTDS. Việc trưng cầu giám định này nhằm xác nhận có đúng chữ viết, chữ ký của một người viết ra, ký ra không và cũng để nhằm xác định chứng cứ có bị tố là giả mạo không.
Đối với trường hợp chứng cứ bị tố là giả mạo, việc trưng cầu giám định được BLTTDS quy định như sau: “1. Trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại; nếu không rút lại thì người tố cáo có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Tòa án có quyền quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật này. 2. Trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì Tòa án chuyển tài liệu, chứng cứ có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. 3. Người đưa ra chứng cứ được kết luận là giả mạo phải bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác và phải chịu chi phí giám định nếu Tòa án quyết định trưng cầu giám định (Điều 103 BLTTDS).
Như vậy, trong bất kỳ vụ án nào thì chứng cứ đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, khác với vụ án hình sự, trong vụ án dân sự thì đương sự được “toàn quyền” giao nộp, xuất trình chứng cứ cho tòa án. Chính vì vậy mà trong thực tế, vì những động cơ, mục đích không chính đáng nhằm tạo lợi thế cho mình, có những trường hợp đương sự sẽ cung cấp những chứng cứ giả mạo cho tòa án. Vì thế, việc trưng cầu giám định là cực kỳ cần thiết và kết luận giám định khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Bản thân kết luận giám định cũng là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.