Ngày 13/1/2012, HĐXX sơ thẩm TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 4 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Văn Ninh (SN 1958, nguyên Trung tá công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 1 Điều 97 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt 2-7 năm tù).
Ngoài Ninh, không có ai khác phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của nạn nhân Trịnh Xuân Tùng (SN 1958, ở 252 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Chết người sau vi phạm giao thông
Theo cáo trạng, ngày 28/2/2011 Ban Chỉ huy Công an phường Thịnh Liệt phân công Trung tá Nguyễn Văn Ninh cùng Tổ dân phòng tự quản làm nhiệm vụ xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông đường bộ tại đường vành đai đối diện cổng phụ Bến xe phía Nam (trên địa bàn phường Thịnh Liệt).
Bị cáo Nguyễn Văn Ninh. |
Khoảng 10h30 cùng ngày, Nguyễn Văn Ninh phát hiện ông Trịnh Xuân Tùng không đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe mô tô BKS 29 S8-7847 do ông Phạm Quân Hùng (SN 1964, ở ngõ 26 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) điều khiển.
Nguyễn Văn Ninh đã cho dừng xe, thông báo lỗi, đồng thời lập Biên bản xử phạt hành chính ông Hùng với mức tiền là 150.000 đồng. Ông Hùng không ký biên bản, để lại giấy đăng ký xe rồi điều khiển xe chở ông Tùng bỏ đi.
Đến 15h cùng ngày, ông Hùng chở ông Tùng quay lại vị trí Tổ công tác làm việc buổi sáng để gặp Nguyễn Văn Ninh, xin nộp tiền phạt với mức 100.000 đồng. Đồng thời, ông Hùng đề nghị được hủy biên bản vi phạm và lấy lại giấy đăng ký xe. Nguyễn Văn Ninh không đồng ý.
Ông Tùng và ông Hùng đã có lời nói lăng mạ, rồi 2 người bỏ đi. Một lúc sau, ông Tùng quay lại tiếp tục có lời lẽ lăng mạ. Khi thấy ông Tùng tát mình, Ninh dùng tay gạt đỡ rồi hô to: “Thằng này nó đánh tôi, anh em đâu, bắt giữ nó lại”.
Ông Tùng bỏ chạy liền bị Ninh túm tóc giật lại. Nghe thấy Ninh hô, Đặng Hoàng Anh (dân phòng) chạy đến bẻ quặt tay của ông Tùng ra sau lưng. Ông Tùng giằng co thì bị Ninh túm tóc, ấn ghì đầu nghiêng xuống mặt đất, nằm trên vỉa hè. Sau đó, Ninh chạy đi lấy khóa số 8, khóa tay ông Tùng và để ngồi dựa lưng vào gốc cây bàng. Sau đó, ông Tùng bị khóa tay và đưa về trụ sở Công an phường Thịnh Liệt.
Từ 17h đến 21h cùng ngày, tại trụ sở công an, ông Tùng hai lần nôn mửa. Đến 21h30 cùng ngày, Công an phường Thịnh Liệt mới đưa ông Tùng đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Tại Khoa Cấp cứu, ông Tùng kêu đau ở vùng cổ, bụng, ngực và tê bì tứ chi.
Khoảng 17h hôm sau - 1/3/2011, Bệnh viện Bạch Mai phải chuyển ông Tùng tới Bệnh viện Việt Đức để điều trị tiếp.
14h ngày 2/3/2011, ông Tùng được mổ cấp cứu và chuyển đến phòng hậu phẫu chăm sóc, theo dõi. Đến 6h25 ngày 8/3/2011, ông Tùng tử vong sau nhiều ngày mê man bất tỉnh trên giường bệnh.
Bản Giám định pháp y của Viện Pháp y Quân đội kết luận: Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho ông Trịnh Xuân Tùng là do tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn sau chấn thương cột sống cổ, trật đốt C4 kèm theo liệt tủy. Đặc điểm tổn thương đốt sống vùng cổ được xác định rõ: Đốt C4 bị trượt ra trước, rách dây chằng dọc trước với cơ chế hình thành thương tích là cơ chế ngửa, lực tác động mạnh.
Bài học cho cả công an và người dân?
Tại Tòa, bị cáo Nguyễn Văn Ninh đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm như trên.
Trong khi các dân phòng đều có lời khai giống với nội dung cáo trạng trên đây thì nhân chứng Bạch Chí Cường lại cho biết: “Ông Tùng chỉ chửi bới Ninh chứ không có hành động tấn công. Bị chửi, Ninh đã dùng cặp da đánh ông Tùng trước chứ không có chuyện nạn nhân nhảy vào tát Ninh. Khi ông Tùng nằm ở gốc cây thì có một anh dân phòng beo béo (béo nhất trong số 4 dân phòng lúc đó) nhảy vào, dùng cùi tay thúc vào bụng ông Tùng”.
Rất tiếc, trong khi lời khai còn mâu thuẫn như trên thì các nhân chứng là người dân chứng kiến sự việc đã không có mặt tại phiên tòa.
Phía bị hại cho rằng, việc truy tố bị cáo Nguyễn Văn Ninh về tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ” là không thỏa đáng. Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm của một số dân phòng và công an phường Thịnh Liệt trong vụ việc này.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại nói thêm về các khuất tất trong vụ án: “Ông Tùng không có Quyết định tạm giữ nhưng vẫn bị giữ ở Công an phường trong hơn 6 tiếng đồng hồ. Theo lời khai của một dân phòng thì ông Tùng bị bất động từ lúc ở hiện trường, phải khênh lên ô tô nhưng khi về trụ sở Công an phường vẫn bị bỏ mặc, không được đưa đi cấp cứu kịp thời”.
Ngoài ra, vị Luật sư này cho rằng, lúc xảy ra xô xát (đã hết giai đoạn lập biên bản vi phạm hành chính) là nằm ngoài phạm vi thực hiện công vụ của bị cáo. Từ lập luận này, Luật sư đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ, điều tra bổ sung để chuyển tội danh của bị cáo sang tội “Cố ý gây thương tích” (trường hợp gây hậu quả chết người).
Tuy nhiên, HĐXX đã không chấp nhận ý kiến trên và cho rằng việc truy tố của VKS là có cơ sở, phù hợp với các chứng cứ. Ngoài việc phạt bị cáo 4 năm tù , HĐXX cũng ghi nhận việc gia đình nạn nhân đã nhận bồi thường 500 triệu đồng, không có yêu cầu gì thêm.
Về hành vi của một số dân phòng và cán bộ Công an phường Thịnh Liệt, HĐXX thấy rằng những người này thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.
Gia đình bị hại khẳng định sẽ kháng cáo.
Khoa Lâm