Đã có người tử vong, cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp

Đã có người tử vong, cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp
(PLO) - Trong tuần qua, tại TP.HCM liên tục phát hiện các trường hợp nhiễm A/H1N1 bị nguy kịch, có trường hợp tử vong. Theo đánh giá của các chuyên gia thì vi rút H1N1 là một loại vi rút cúm mùa có độc tính mạnh, số lượng lưu hành cao nhất trong tất cả các loại vi rút cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

Dễ biến đổi chủng, độc tính mạnh

Sau khi ổ dịch cúm A/H1N1 được phát hiện tại Bệnh viện Từ Dũ với 18 trường hợp dương tính với vi rút cúm A/H1N1 thì trong tuần qua, TP.HCM lại ghi nhận thêm một số trường hợp mắc cúm A/H1N1, trong đó có 1 trường hợp tử vong là một phụ nữ 26 tuổi (ngụ quận Thủ Đức,TP.HCM) và 1 trường hợp rất nguy kịch là người đàn ông 49 tuổi (quê Bình Thuận) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Riêng tại ổ dịch cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ đã phát hiện thêm 1 trường hợp lây nhiễm. Trường hợp này là một người đàn ông 54 tuổi (ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vùng Tàu) đưa vợ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ - nơi có ổ dịch cúm A/H1N1 thì về nhà bị ho, sốt cao, sổ mũi, rát họng, người mệt mỏi, chán ăn. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy, bệnh nhân này dương tính với cúm A/H1N1.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh-Trưởng khoa Nhiễm-Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng vi rút H1N1 có độc tính mạnh hơn rất nhiều so với các loại vi rút cúm mùa khác.

“Hiện nay tại Việt Nam, ngoài cúm A/H1N1 còn có 2 loại cúm mùa khác là cúm A/H3N2 và cúm B đang lưu hành. Cùng là cúm mùa nhưng nếu so với 2 loại cúm mùa trên thì cúm A/H1N1 có độc tính mạnh hơn nhiều, mức độ lưu hành cao hơn và dễ biến đổi chủng hơn. Đây chính là điều nguy hiểm nhất của cúm A/H1N1

Do đó phần lớn các trường hợp mắc cúm mùa ở Việt Nam chủ yếu là mắc cúm A/H1N1 và cũng dễ nguy hiểm đến tính mạng hơn, nếu người mắc có sức đề kháng yếu hoặc mắc một số bệnh nền khác”, bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, sở dĩ có nhiều người liên tiếp lây nhiễm cúm A/H1N1 và có những trường hợp nguy kịch, tử vong trong thời gian qua là do đặc tính lây nhiễm của loại cúm này rất cao và lây truyền rất nhanh. Nếu chẳng may cúm A/H1N1 rơi vào những khu vực mà người dân chưa cảm nhiễm với loại cúm này hoặc chưa chích ngừa cúm thì gần như bị lây nhiễm, nếu chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Với những trường hợp bị biến chứng nặng, tử vong trong thời gian qua, bác sĩ Khanh cho rằng phần lớn là những người có sức đề kháng yếu hoặc mắc các bệnh nền.

“Trường hợp người phụ nữ 26 tuổi tử vong là mắc bệnh béo phì; còn người đàn ông 49 tuổi đang nguy kịch thì có bệnh lý tiểu đường. Với bệnh cúm A/H1N1, nếu người mắc có bệnh lý mạn tính, trẻ em, người già và phụ nữ mang thai thì bệnh sẽ diễn tiến nặng, có thể gây nguy kịch hoặc tử vong. Với những người có cơ địa bình thường, nếu mắc cúm A/H1N1 phần lớn sẽ tự khỏi, rất hiếm khi xảy ra tử vong”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Sẽ có những diễn tiến phức tạp

Theo các chuyên gia đây mới là thời điểm bắt đầu vào mùa của các bệnh về đường hô hấp. Thông thường các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp bắt đầu vào tháng 5 và kéo dài đến tháng 9.

“Bệnh cúm A/H1N1 là một trong những bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên trong thời gian tới tình hình về dịch bệnh cúm A/H1N1 sẽ còn diễn biến phức tạp, nếu người dân chưa có ý thức phòng ngừa”, một chuyên gia cảnh báo.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cách tốt nhất hiện nay để phòng ngừa cúm A/H1N1 là người dân nên chích ngừa cúm đều đặn mỗi năm; những người mắc và chưa mắc cúm A/H1N1 phải thường xuyên rửa tay và mang khẩu trang.

Bên cạnh đó, Trung tâm y tế Dự phòng TP đề nghị các bệnh viện, nhân viên y tế và các nhân viên phục vụ khác phải tuân thủ vệ sinh tay và phòng hộ chuẩn để tránh lây lan bệnh giữa các bệnh nhân và giữa bệnh nhân với nhân viên. Vệ sinh khử khuẩn được thực hiện theo quy trình bắt buộc. Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm được điều trị ở khu vực riêng; có quy định cách ly tùy theo bệnh.

Các bệnh viện phải thực hiện khai báo các dịch bệnh truyền nhiễm để kịp thời nắm bắt thông tin và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM khuyến cáo người dân, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm như: tiêm chủng vắc xin, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp; nếu có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc.

Cũng theo Trung Tâm Y tế Dự phòng TP.HCM tính đến thời điểm này, TP chưa phát hiện thêm ca bệnh cúm A/H1N1 tại nơi cư ngụ và trong các bệnh viện đã chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc bệnh. Riêng trường hợp người đàn ông nhiễm cúm A/H1N1 ở Bình Thuận đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch đã được báo cáo cho Viện Pasteur TP.HCM để tổ chức giám sát theo quy định.

Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM và Viện Pasteur TP đã thống nhất với các bệnh viện các biện pháp phòng lây nhiễm trong bệnh viện; đồng thời truyền thông phòng chống cúm tại nơi bệnh nhân cư ngụ.

Đọc thêm

Đau đầu kéo dài, bé gái 9 tuổi được phát hiện có khối u não lớn

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
(PLVN) - Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi nữ 9 tuổi, có khối u màng não lớn. Đây là ca bệnh khó vì người bệnh nhỏ tuổi, kích thước khối u lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm, buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ đe dọa đến chức năng thần kinh và tính mạng người bệnh.

Bộ Y tế thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây máu đông

Bộ Y tế thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây máu đông
(PLVN) - Trước thông tin AstraZeneca lần đầu tiên thừa nhận vaccine COVID-19 có thể gây cục máu đông, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây là tác dụng phụ hiếm gặp mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng cảnh báo khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca.

"Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang xạ trị

Khánh thành khu vui chơi và học tập cho bệnh nhi tại Trung tâm Ung bướu.
(PLVN) - Chiều 3/5, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ khánh thành khu vui chơi và học tập với tên gọi “Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại khoa Xạ trị 2, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế.

Suýt tử vong vì mắc căn bệnh thường gặp rồi đi uống thuốc nam

Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan. Ảnh: BVCC
(PLVN) - Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Cấp Cứu của đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 17 tuổi, đến từ Bắc Giang. Cách vào viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện mụn nước nhiều vùng lưng, ngực không rõ sốt kèm theo mệt nhiều. Đặc biệt, trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với em gái ruột bị thủy đậu đã khỏi.