Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có ý kiến chính thức liên quan đến việc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đang tính mua lại phần vốn góp của nước ngoài để xây dựng tổ hợp văn phòng và căn hộ cho thuê.
Ảnh: MH |
Theo kế hoạch được Vinataba trình Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hà Nội, doanh nghiệp này sẽ mua lại phần vốn góp của bên nước ngoài với giá chuyển nhượng là 4.000.000 USD tại Công ty TNHH Liên doanh Nguyễn Du (là liên doanh giữa Vinataba công ty Pavia Properties Ltd).
Việc mua lại phần vốn góp này được Vinataba giải thích là để xây dựng văn phòng làm việc của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, cùng các văn phòng giao dịch thương mại của các đơn vị thành viên.
Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho thấy, việc chuyển nhượng toàn bộ giá trị phần vốn góp của bên nước ngoài và chuyển đổi liên doanh thành doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam là không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bộ này cho rằng việc mua lại của Vinataba dùng vào mục đích nêu trên là có thể xem xét nhưng với điều kiện phải chứng minh được tính hiệu quả của việc mua lại làm trụ sở, đồng thời, không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Vinataba đã “không có văn bản nào giải trình” về tính hiệu quả của mục đích mua lại làm trụ sở, đồng thời cũng không có văn bản giải trình cụ thể về nguồn vốn dùng để mua lại phần vốn góp bên nước ngoài (4 triệu USD) và chứng minh việc sử dụng một số lượng lớn tiền mặt của doanh nghiệp như vậy mà không làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây chính là việc đầu tư ngoài ngành nên đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Bộ chủ quản về vấn đề đầu tư ngoài ngành để báo cáo UBND Tp. Hà Nội xem xét quyết định theo thẩm quyền.
"Mắc kẹt" vì đầu tư ngoài ngành
Mắc kẹt vì bỏ vốn đầu tư ngoài ngành đang được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, thậm chí tại nghị trường của Quốc hội. Trong khi đó, những con số đầu tư thực tế tại một số doanh nghiệp được chỉ ra cho thấy, việc thoái vốn tại các đơn vị khi đã đầu tư cũng không hề là việc đơn giản. Việc thoái vốn bất thành của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) với 1,25 triệu cổ phiếu (3,79%) tại Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình (HBS) là một ví dụ.
Không riêng gì Handico, nhiều tập đoàn và tổng công ty cũng đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành nhưng việc tìm kiếm nhà đầu tư trong bối cảnh này là rất khó.
Trong đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mới đây, Bộ Tài chính nhìn nhận một trong những hạn chế, yếu kém của khu vực này là đã đầu tư vào công ty chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, quỹ đầu tư, bất động sản với số tiền không nhỏ, nhưng hiệu quả đầu tư không cao hoặc không có hiệu quả. Trong khi đó, nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh chính lại đang thiếu.
Cho nên, băn khoăn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “đầu tư ngoài ngành” trong thương vụ chuyển nhượng lại phần vốn tại liên doanh của Vinataba trong bối cảnh các doanh nghiệp mắc kẹt với bất động sản, có thể là điều mà tổng công ty thuốc lá này cần phải giải thích cặn kẽ hơn.
Việt Hưng