Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng qua, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2017, hôm nay, 21/10, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cả nước trong quý III tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định.
Tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, giảm khoảng 5% cả về số vụ TNGT, số người chết và bị thương, 43 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2016; ùn tắc giao thông cũng được khắc phục từng bước; vận tải hành khách trong các dịp cao điểm được bảo đảm an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Đề cập đến các vấn đề cụ thể trong quá trình thực hiện bảo đảm TTATGT thời gian qua, Phó Thủ tướng nêu rõ: Việc gắn và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành đã được các bộ, ngành, đoàn thể và đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm, triển khai trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm ATGT 2017, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT địa phương.
Tuy nhiên, một số nơi còn tình trạng cấp ủy, người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị chức năng chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, để tồn tại hiện tượng buông lỏng trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật; còn xảy ra không ít vi phạm, tiêu cực, làm trái quy định, đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô chở khách theo hợp đồng, bến bãi đường bộ, bến thủy nội địa không phép, hành lang an toàn giao thông...
Một số địa phương cấp phép khai thác cát sỏi trên sông vẫn buông lỏng quản lý, để diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép, ngoài phạm vi được cấp, vi phạm luồng đường thủy nội địa và khu vực gần bờ. Tại một số địa phương tái diễn tình trạng xe ô tô cơi nới thùng chở hàng quá tải, đặc biệt là tại các địa bàn có mỏ vật liệu, nhà máy xi măng và tại các khu vực có cảng, khu công nghiệp.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Cà Mau, Cao Bằng, Quảng Ninh giảm trên 35% số người chết do TNGT; Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng phương án phân bổ kinh phí xử phạt về TTATGT cho ngân sách địa phương phù hợp hơn với thực tiễn.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng lưu ý 15 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016. Trong đó đề nghị các Chủ tịch UBND kiêm trưởng Ban ATGT 8 địa phương có số người chết tăng trên 10% (Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Trị, Cần Thơ, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hậu Giang, Lai Châu) và 2 tỉnh có số người chết tăng trên 40% (Hậu Giang, Lai Châu) quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn.
Về nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: đặc biệt lưu ý Ủy ban ATGT quốc gia sớm hoàn thiện Quy chế về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT; Bộ GTVT tiếp tục hoàn thành kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục rà soát, xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn về mất ATGT trên hệ thống quốc lộ, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố xây dựng đường gom, dứt điểm xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt; khắc phục triệt để những ảnh hưởng tiêu cực đến TTATGT của công tác quản lý, vận hành, thu phí và tổ chức giao thông của các dự án BOT, báo cáo kết quả tại cuộc họp tổng kết năm ATGT 2017.
Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý ATGT của các đơn vị kinh doanh vận tải và xử lý nghiêm vi phạm, tước giấy phép những đơn vị vi phạm gây TNGT nghiêm trọng; bổ sung quy định, nâng tiêu chuẩn được nâng hạng giấy phép và siết chặt quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép cho lái xe khách, xe tải, xe chở container.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT; siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấp phép lái xe; công tác quản lý phương tiện; duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện, sớm chấm dứt xe quá tải hoạt động; xử lý nghiêm, ngăn chặn và chấm dứt việc khai thác cát sỏi trái phép trên các tuyến sông; kiên quyết lập lại trật tự hành lang ATGT.
Riêng đối với UBND TP. Hà Nội, TP HCM và các đô thị trực thuộc Trung ương, cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; có giải pháp phù hợp, ổn định để quản lý vỉa hè, lòng đường một cách hiệu quả, ưu tiên cho người đi bộ và phương tiện công cộng; tiếp tục nâng cao chất lượng vận tải công cộng gắn với quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; phân luồng, điều tiết giao thông và hướng dẫn tham gia giao thông qua các điểm hay ùn tắc giao thông, các đoạn tuyến có công trình xây dựng chiếm dụng lòng, lề đường, bị ngập nước do mưa, triều cường...