Chính sách, pháp luật về TN&MT chưa theo kịp thực tế
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nêu rõ, những tồn tại, thách thức của ngành là chính sách, pháp luật về TN&MT chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tế, chưa có đột phá lớn để thúc đẩy giải phóng các nguồn lực khác như lao động, khoa học và các nguồn vốn cho phát triển. Nhiều vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp; hiệu quả sử dụng đất còn thấp so với các nước trong khu vực, quản lý đất công ích... Khai khoáng, ô nhiễm môi trường, tài nguyên biển, biến đổi khí hậu đang thách thức ngành TN&MT muôn vàn khó khăn.
Đánh giá cao những kết quả ngành TN&MT đã đạt được nhưng Phó Thủ tướng cũng cho rằng, công tác quản lý đất đai mặc dù đã được giải quyết nhưng còn nhiều bất cập. Đây là lĩnh vực gây rất nhiều bức xúc cho người dân và dễ nảy sinh tham nhũng. Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản còn lãng phí, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, khu công nghiệp còn phức tạp nhưng Bộ TN&MT vẫn chưa đưa ra được phương án giải quyết triệt để.
Không được để xảy ra sự cố như Formosa
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2018, “nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước về TN&MT để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Từ hoàn thiện thể chế sẽ giúp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân”.
Cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ vấn đề xả thải ra môi trường là một nhiệm vụ lớn của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ phải kiểm soát tốt cả chất thải rắn, nước thải, khí thải, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường đáng tiếc như Formosa. “Từ sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, chúng ta phải coi Formosa là một bài học. Từ đó, Bộ phải chỉ đạo tất cả các dự án, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát đầu tư, khai thác sử dụng ở các dự án”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, diễn biến các đợt thiên tai, bão lũ vừa qua cho thấy, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Khí tượng thủy văn phải tăng cường hơn nữa chất lượng công tác dự báo khí tượng, thủy văn, cảnh báo thiên tai để góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian sớm nhất, Bộ TN&MT phải nâng cao việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nâng cao cảnh cáo dự báo thiên tai, diễn biến thời tiết, giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản.
“Các nhiệm vụ của ngành TN&MT trong năm 2018 là rất nặng nề. Tuy nhiên, với sự đồng thuận và quyết tâm cao các đồng chí ở TƯ cũng như ở địa phương, tôi tin tưởng rằng ngành TN&MT sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng.