Là huyện thuần nông, với gần 90% dân số làm nông nghiệp, đến nay, Yên Lạc đã trở thành huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao đầu tiên của tỉnh. Chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Có được thành quả đó là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Yên Lạc đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nghị quyết chuyên đề nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn.
Nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nguồn lực xây dựng NTM nâng cao, cùng với đẩy mạnh các giải pháp phát triển tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ, huyện Yên Lạc chú trọng phát triển nông nghiệp để tạo ra giá trị mới cho nông nghiệp, nông thôn.
Huyện quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, thành lập các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất theo chuỗi liên kết. Qua đó, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của địa phương.
Đến nay, huyện Yên Lạc đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao như trồng phật thủ, nuôi cá thâm canh tại xã Liên Châu; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng tại xã Văn Tiến; nuôi ốc nhồi tại xã Trung Kiên; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở xã Yên Phương…
Phát huy lợi thế của các làng nghề truyền thống, Yên Lạc đã quy hoạch phát triển các làng nghề, khuyến khích các hộ sản xuất đổi mới tư duy, áp dụng công nghệ vào sản xuất, tạo sự đột phá.
Đến nay, huyện đã thành lập được 6 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích hơn 110 ha, thu hút 624 doanh nghiệp, hộ dân vào sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.000 lao động địa phương.
Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều dự án, chương trình hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, cây con giống, hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân, từ đó, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, thu nhập ổn định. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 0,55%. Thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm.
Kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, người dân tích cực tham gia xây dựng làng quê giàu mạnh. Đến nay, Yên Lạc là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh trong xây dựng NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Toàn huyện có 9/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, giai đoạn 2021-2025; 2 xã cơ bản đạt NTM kiểu mẫu; 2 xã đạt tiêu chí xã thông minh; thị trấn Yên Lạc và Tam Hồng đạt chuẩn đô thị văn minh; 74/125 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu.
Các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm đều được trải bê tông, nhựa; hai bên trồng hoa, có điện chiếu sáng; 100% thôn, TDP đều thành lập CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Tỷ lệ người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên đạt 76%.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện tốt, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Từ năm 2019 đến nay, Ủy ban MTTQ huyện đã vận động hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 130 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, người già yếu không nơi nương tựa với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, năm 2024, Ủy ban MTTQ huyện đã hỗ trợ xây dựng 7 nhà đại đoàn kết, mức hỗ trợ từ 40-70 triệu đồng/nhà.
UBND huyện Yên Lạc chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương rà soát, chi trả, hỗ trợ 100% đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, cận nghèo. Công tác chăm lo đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng được chú trọng.
Huyện phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho hàng nghìn gia đình chính sách vay vốn phát triển kinh tế; hỗ trợ sửa chữa, xây nhà; thăm, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sĩ, với số tiền hàng trăm triệu đồng. Đến nay, gia đình người có công trên địa bàn huyện đều đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn.
Phát huy truyền thống hiếu học, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển giáo dục và đào tạo, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, vì vậy, chất lượng giáo dục của huyện có sự chuyển biến rõ nét, giữ vững tốp đầu của tỉnh.
Những thành quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân đã tiếp tục khẳng định sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, vì mục tiêu cuối cùng là hạnh phúc của nhân dân.