Hôm qua (8/10), Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu” do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, hiện Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn, đứng thứ 15 trên thế giới, đồng thời các mặt hàng nông sản đã có mặt tới gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo,…
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nông sản Việt mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô. Khi bán ra thị trường thế giới có đến 80% hàng nông sản Việt Nam thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đồng nghĩa với việc Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Trong quá trình thực hiện liên kết chuỗi còn gặp khó khăn trong nguồn vốn…
Tại diễn đàn, đại diện một DN sản xuất gạo theo mô hình cánh đồng lớn chỉ ra bất cập trong thực hiện liên kết chuỗi hiện nay. Cụ thể, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo nhưng hầu hết lượng gạo đó được chế biến từ lúa ngoài mô hình. Việc nhân rộng mô hình là điều cần thiết nhưng rất khó để thực hiện, diện tích cánh đồng lớn liên kết ở các địa phương ngày càng thu hẹp dần. Nguyên nhân do chuỗi liên kết còn thiếu vốn để thực hiện. Đặc biệt về vốn trung, dài hạn để lắp đặt máy sấy lúa, vốn ngắn hạn để ứng vật tư đầu vụ và thanh toán tiền cho nông dân khi thu hoạch.
Nguồn vốn gây khó khăn cho DN là vậy, nhưng theo bà Phạm Thị Thanh Tùng (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN), vẫn còn trường hợp hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, DN đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay theo chuỗi.
Đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng để đẩy mạnh việc tăng cường liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông sản trên cả nước, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, làm thay đổi thói quen của các hợp tác xã, tổ hợp tác, người sản xuất trong việc sản xuất, gắn với nhu cầu của thị trường. Sản xuất các sản phẩm an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường để ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho các DN, hợp tác xã, hộ nông dân thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về kỹ thuật sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, về các điều kiện để nông sản thực phẩm vào kênh phân phối hiện đại. Đồng thời rà soát, bổ sung, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như: tiếp cận vốn tín dụng, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách khuyến khích liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập. Song hành với đó là việc cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Liên quan lĩnh vực nông nghiệp, Hội chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội 2019 chính thức khai mạc sáng 8/10 với chủ đề “Phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững và hài hòa”.
Hội chợ quy tụ hơn 100 gian hàng, giới thiệu các sản phẩm thủy sản đặc sắc. Trong đó, các khu chính gồm: Khu giới thiệu sản phẩm thủy, hải sản tươi sống và chế biến (cá tra, cá ngừ, tôm, mực, bạch tuộc, cá nước ngọt,...; khu giới thiệu sản phẩm thiết bị vật tư phục vụ khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; thức ăn chăn nuôi thủy sản; khu giới thiệu sản phẩm dịch vụ phụ trợ...
Chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản thu về 6,23 tỷ USD. Sau những thành công trong xuất khẩu, ngành thủy sản đã bắt đầu hướng đến thị trường nội địa. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức tiêu thụ trong nước đến năm 2020 được dự báo sẽ đạt 940.000 tấn. Thị trường nội địa rất tiềm năng cho ngành thủy sản Việt Nam.