Thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi VPHC
Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Xử lý VPHC, thẩm quyền xử phạt VPHC được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi VPHC của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm đối với chức danh đó.
Thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương. Người có thẩm quyền xử phạt có quyền xử phạt quy định tại các điều từ 39 đến 51 của Luật này thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý. Tuy nhiên, trong trường hợp VPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
Ví dụ: Điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế, mức phạt tối đa đối với hành vi “Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người” là 10 triệu đồng đối với cá nhân và 20 triệu đồng đối với tổ chức.
Về thẩm quyền xử phạt hành vi này, chương 3 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định: Chủ tịch UBND cấp xã, phạt đến 05 triệu đồng; Chủ tịch UBND cấp huyện, phạt đến 25 triệu đồng; Chánh Thanh tra Sở Y tế, phạt đến 25 triệu đồng;… Đây là hành vi VPHC thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, cho nên việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
Ví dụ: Cũng với hành vi trên trong phòng, chống dịch Covid-19 do lực lượng chức năng ở địa phương lập biên bản thì việc xử phạt này do Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện; nếu do lực lượng Thanh tra Sở Y tế thực hiện thì do Chánh Thanh tra Sở Y tế xử phạt.
Thẩm quyền áp dụng đối với nhiều hành vi VPHC
Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi VPHC (từ 2 hành vi trở lên) thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây: (1) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó; (2) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt; (3) Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.
Ví dụ: Ông A bị lập biên bản 02 hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19. Nếu hình thức, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả,… được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã thì quyền xử phạt thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã; trường hợp một trong các hình thức, mức phạt,… đối với một trong các hành vi vi phạm của ông A vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã thì phải chuyển ngay vụ việc đến cấp thẩm quyền xử phạt; nếu ông A có 01 hành vi vi phạm thuộc về thẩm quyền của Thanh tra Y tế, 01 hành vi vi phạm thuộc về thẩm quyền của Quản lý Thị trường thì xử phạt thuộc về Chủ tịch UBND có thẩm quyền nơi xảy ra vi phạm.
Trong mỗi nghị định về xử phạt VPHC đều có quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các chức danh đối với từng điều khoản, cũng như thẩm quyền phạt tiền được tính thành mức tiền cụ thể, nhưng người có thẩm quyền xử phạt phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Điều 52 Luật Xử lý VPHC. Riêng Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi VPHC thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra (Điều 5 Văn bản hợp nhất Nghị định số 81/2013/NĐ-CP và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).