Tại Điều 24 Luật Quản lý nợ công hiện hành đã có quy định về điều kiện đối với vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Theo nhận định của Chính phủ, thực tế thực hiện các điều kiện này một mặt đã đáp ứng được yêu cầu tiếp cận vốn vay của các chương trình, dự án vay lại. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, trước yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay thì các điều kiện về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ cần phải chặt chẽ hơn.
Theo đó, Dự thảo Luật quy định điều kiện được vay lại gồm: Tình hình tài chính lành mạnh: không bị lỗ trong 3 năm liền kề gần nhất; nợ quá hạn không quá 5%; Đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; Không có nợ quá hạn liên quan đến các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; tổng mức dư nợ vay lại chịu rủi ro tín dụng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu thực có của từng tổ chức tài chính - tín dụng tại thời điểm xem xét cho vay lại;
Được ít nhất một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Standard and Poor’s, Moody’s hoặc Fitch) xếp hạng tín nhiệm ở mức tín nhiệm ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, trừ ngân hàng chính sách của Nhà nước; và thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Tương tự, các quy định về điều kiện cho vay lại đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập có thu cũng được nâng cao và chặt chẽ hơn.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát và bổ sung các quy định về đối tượng, phương thức, quy trình quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài, trong đó bổ sung các quy định chặt chẽ về thẩm định tài chính vay lại của các đối tượng đề nghị được vay lại vốn vay của Chính phủ (Điều 42 dự thảo Luật); đồng thời bổ sung nhằm tăng cường chế tài quản lý rủi ro cho vay lại (khoản 2, khoản 5 Điều 43 dự thảo Luật).
Theo đó quy định tại Điều 42 Dự thảo: Thẩm định tài chính các chương trình, dự án của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập có thu vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong trường hợp cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng:
Nội dung thẩm định bao gồm: điều kiện được vay lại theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 của Luật này; hiệu quả đầu tư, năng lực tài chính của người vay lại; phương án vay vốn và khả năng trả nợ của người vay lại; tài sản đảm bảo của người vay lại; đánh giá các yếu tố phi tài chính; giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro;
Cơ quan quyết định đầu tư tổ chức thẩm định các nội dung quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này để quyết định đầu tư, quyết định người vay lại;
Người vay lại gửi đề nghị thẩm định cùng hồ sơ văn kiện chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ tới cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền để thẩm định, đồng gửi Bộ Tài chính. Người vay lại chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ, đúng pháp luật của các hồ sơ cung cấp để thực hiện công tác thẩm định cho vay lại;
Cơ quan cho vay lại thực hiện thẩm định, đánh giá các điều kiện được sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo cơ chế vay lại, năng lực tài chính của người vay lại, phương án sử dụng vốn vay lại, doanh thu, chi phí, điều kiện cho vay lại, phương án sử dụng tài sản bảo đảm, đánh giá mức độ rủi ro và biện pháp phòng ngừa rủi ro; cho ý kiến về khả năng trả nợ và đề xuất điều kiện vay lại áp dụng đối với người vay lại theo quy định;
Căn cứ báo cáo kết quả thẩm định do cơ quan cho vay lại gửi, Bộ Tài chính thực hiện thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay lại đối với chương trình, dự án và thông báo điều kiện cho vay lại cho người vay lại và cơ quan cho vay lại để tổ chức thực hiện.
Thẩm định tài chính các chương trình, dự án của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập có thu vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong trường hợp cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng: cơ quan cho vay lại thực hiện việc thẩm định về các điều kiện được vay lại, năng lực tài chính, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của người vay lại, tài sản bảo đảm khoản vay, đánh giá các yếu tố chi phí, rủi ro, biện pháp giảm thiểu rủi ro, báo cáo kết quả thẩm định cho Bộ Tài chính trước khi ký kết thỏa thuận cho vay lại.
Đối với cho vay lại trực tiếp tổ chức tín dụng để cho vay tiếp đến người sử dụng theo chương trình tín dụng, hợp phần tín dụng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia ý kiến với Bộ Tài chính trong việc thẩm định phương án sử dụng vốn vay và trả nợ của các tổ chức tín dụng tham gia chương trình trước khi Bộ Tài chính ký kết thỏa thuận cho vay lại;
Tổ chức tài chính - tín dụng cho vay đến người sử dụng vốn cuối cùng chịu trách nhiệm thẩm định dự án và chọn đối tượng cho vay phù hợp với chương trình tín dụng đã thoả thuận với nhà tài trợ hoặc người cho vay, đồng thời chịu mọi rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại.
Thẩm định khả năng trả nợ của ngân sách địa phương khi vay lại nguồn vay nước ngoài của Chính phủ: Bộ Tài chính có trách nhiệm thẩm định khả năng trả nợ của ngân sách địa phương theo các điều kiện được vay lại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Khoản 3 Điều 40 của Luật này;
Kết quả thẩm định cùng với ý kiến góp ý đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được Bộ Tài chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi từ nhà tài trợ nước ngoài của Chính phủ;
Căn cứ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo cơ chế cho vay lại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để làm căn cứ đàm phán, ký kết các thảo thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.