Xây dựng và củng cố hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới

Gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt xã hội mới tốt.
Gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt xã hội mới tốt.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề gia đình và xây dựng gia đình, coi gia đình là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam.

Trong thời kỳ mới, gia đình vẫn là thiết chế không thể thay thế để thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, những thành tựu kinh tế - xã hội trong mấy thập niên qua đã tạo ra điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới cho việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.

Gia đình Việt Nam đang đứng trước thách thức

Thời gian gần đây, không ít các vụ án gia đình đau lòng đã xảy ra. Một phép thử trên thanh tìm kiếm của Google cho thấy với cụm từ "con giết mẹ" có 14.500.000 kết quả trong 0,44 giây; với cụm từ "con giết cha" cho 8.240.000 kết quả trong 0,41 giây và "con giết cha mẹ" cho 9.190.000 kết quả trong 0,35 giây. Những con số kinh hoàng, đủ sức gây sang chấn tâm lý nặng nề trong xã hội khiến nhiều người cảm thấy bất an. Hàng loạt câu hỏi đau đáu tâm can đặt ra: vì sao những vụ án sát hại người thân có dấu hiệu ngày một gia tăng với mức độ ngày càng tàn độc; vì sao những giá trị đạo đức không thể thắng các cơn cuồng nộ; làm gì để cán cân lợi ích - giá trị vật chất nhẹ hơn cán cân giá trị tình thân, gia đình…

Thực tế này đã được GS.TS. Nguyễn Hữu Minh nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đề cập tới trong tham luận “Xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới: Thực trạng và những vấn đề cần quan tâm” tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ VH,TT&DL; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 29/11 vừa qua.

Theo ông Nguyễn Hữu Minh, gia đình Việt Nam đang đứng trước một số thách thức như: sự chia sẻ, bình đẳng và thương yêu giữa vợ và chồng (sự bất bình đẳng giữa quan hệ vợ chồng, bạo lực của người chồng dẫn đến tình trạng ly hôn với tỷ lệ nữ đứng đơn ly hôn ngày càng nhiều hơn nam giới phản ánh một sự thật là tác động của nền kinh tế thị trường đã len lỏi vào đời sống gia đình…); sự quan tâm và tôn trọng con cái (trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay một bộ phận các bậc cha mẹ đã không có điều kiện quan tâm đầy đủ đến con cái hoặc mối quan hệ cha mẹ - con cái vẫn bảo lưu tôn ti trật tự truyền thống, cha mẹ quyết định tất cả các việc quan trọng liên quan đến con cái dẫn đến sự thiếu tôn trọng quyền của con cái, có hành vi bạo lực đối với con cái…);

Sự hiếu thảo và trách nhiệm đối với cha mẹ cao tuổi (công cuộc công nghiệp hoá cùng với quá trình già hoá dân số mạnh mẽ đang diễn ra ở Việt Nam đã phần nào làm cho việc chăm sóc người cao tuổi trong gia đình Việt Nam gặp nhiều thách thức, hành vi bạo lực về thể chất, tinh thần và kinh tế do con cháu gây ra đối với một bộ phận người cao tuổi…); sự hoà thuận và chia sẻ giữa anh chị em ruột đã trưởng thành (nhiều người còn giữ quan điểm “anh em kiến giả nhất phận”, thiếu quan tâm đến những anh chị em của mình, kinh tế thị trường với sự đề cao lợi ích kinh tế cũng dẫn đến những mâu thuẫn trong việc chăm sóc bố mẹ hay chia sẻ các tài sản thừa kế...).

Cùng quan điểm, TS. Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn khẳng định sự ổn định của gia đình chính là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, các văn bản về gia đình và công tác gia đình chưa thực sự nhấn mạnh đến vai trò then chốt của hệ giá trị gia đình. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng giá trị gia đình ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ

Chính vì thế, theo ông Nguyễn Hữu Minh, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ là mục tiêu xuyên suốt và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. “Hiểu một cách đơn giản, gia đình Việt Nam tiến bộ phải hội tụ được những đặc điểm tốt đẹp nhất của gia đình Việt Nam truyền thống và xu hướng phát triển của gia đình hiện đại. Tính chất tiến bộ của gia đình thể hiện cả từ góc độ cấu trúc, quan hệ cũng như các chức năng của gia đình.

Từ cách tiếp cận đó, có nhiều tiêu chí khác nhau để đo lường về gia đình tiến bộ. Chẳng hạn, đó phải là gia đình biết áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào ѕản хuất, kinh doanh; các thành viên trong gia đình luôn tuân thủ pháp luật, quy ước của cộng đồng, đồng thời biết tôn trọng, giữ gìn thuần phong mỹ tục của văn hóa gia đình Việt Nam; mỗi thành viên đều có ý thức nâng cao ѕức khỏe và tích cực học tập” – ông Minh phân tích.

Để xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới, theo GS.TS. Nguyễn Hữu Minh, cần nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong các chính sách kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tạo thuận lợi cho người vợ và người chồng có cơ hội ngang nhau tham gia vào các hoạt động kinh tế và có vai trò bình đẳng trong các quyết định gia đình;

Quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống: cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, xu thế giảm chức năng chăm sóc trẻ em và người cao tuổi của gia đình là không thể đảo ngược, do đó, xã hội cần chuẩn bị tốt cho hệ thống an sinh xã hội công và phát huy vai trò của cộng đồng để phục vụ nhu cầu của chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, đồng thời tạo điều kiện cho các dịch vụ tư nhân tham gia vào việc chăm sóc trẻ em và hỗ trợ người cao tuổi;

Cần thiết phải có những giải pháp triệt để hơn nhằm thay đổi nhận thức xã hội về bạo lực gia đình, tăng cường công tác bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân; các gia đình cần giáo dục và phát huy mối quan hệ trợ giúp lẫn nhau trong anh chị em ruột để khắc phục những vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong việc hỗ trợ giải quyết bất hòa trong gia đình riêng.

“Tiến hành các nghiên cứu về gia đình ở quy mô lớn để nắm được thường xuyên sự vận động và biến đổi của gia đình cũng như tác động của gia đình đối với sự phát triển xã hội. Có cơ chế bảo đảm tiến hành các nghiên cứu khoa học xã hội một cách hệ thống trước khi hoạch định chính sách kinh tế - xã hội. Cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hoá các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng, tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ” – ông Minh nêu đề xuất.

Còn theo PGS.TS. Đặng Thị Hoa - Viện trưởng Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Trong giai đoạn hiện nay, các giá trị cốt lõi của gia đình cần được chú trọng, gìn giữ và phát triển trong thời kỳ mới dựa trên các chức năng cơ bản của gia đình Việt Nam. Đó là các chức năng về kinh tế - sản xuất với giá trị hướng tới là ấm no; chức năng tâm lý - tình cảm hướng tới giá trị hạnh phúc; chức năng sinh đẻ nuôi dưỡng và chăm sóc và chức năng xã hội hóa - giáo dục của gia đình hướng tới giá trị tiến bộ và bình đẳng.

“Trong giai đoạn hiện nay, một số vấn đề cần quan tâm để giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam là: nghiên cứu, đánh giá hệ giá trị gia đình Việt Nam; nhận diện các giá trị truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ, phát huy, xác định các giá trị mới đang hình thành phù hợp với văn hóa Việt Nam và văn hóa gia đình Việt Nam; tuyên truyền và giáo dục truyền thông nhằm coi trọng giáo dục trong gia đình; xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới”, theo PGS.TS. Đặng Thị Hoa.

“Trong khả năng nhận thức của mình, tôi nghĩ tới một thang giá trị được sắp xếp thành một hệ thống sau: Đầu tiên là hệ giá trị quốc gia là sự tổng hợp có tầm khái quát cao nhất, tiêu biểu và mang ý nghĩa đặc trưng của quốc gia – dân tộc được đúc kết từ lịch sử, truyền thống, từ thực tiễn và có giá trị định hướng tương lai. Thứ hai là hệ giá trị con người Việt Nam nhấn mạnh và xác định những phẩm chất, đặc tính bao trùm và căn cốt tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh của con người Việt Nam. Kết quả nghiên cứu những năm qua đã gợi mở cho các cuộc thảo luận để đi tới sự đồng thuận cao. Thứ ba là chuẩn mực văn hóa là sự cụ thể hóa giá trị con người Việt Nam cho các đối tượng khác nhau, phù hợp với đặc trưng của từng đối tượng (giới, lứa tuổi, nghề nghiệp, vùng miền,...). Thứ tư là hệ giá trị gia đình Việt Nam như một thành tố cơ sở trong thang giá trị”.

(Trích tham luận “Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” của GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tại hội thảo ngày 29/11).

Đọc thêm

Tuyển sinh lớp 10 chuyên Hà Nội năm 2024 thế nào?

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên năm 2023. Ảnh: VNU
(PLVN) - Lịch thi vào lớp 10 các trường THPT chuyên trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ diễn ra trong 3 ngày 8,9 và 10/6. Ngoài thi 3 môn chung (Toán, Văn, Ngoại ngữ) thí sinh sẽ làm thêm bài thi môn chuyên (ngày 10/6) theo nguyện vọng đăng ký.

TIN BUỒN

Nhà báo Hà Sơn Bình trong một chuyến đi công tác.
(PLVN) - Đảng ủy, Ban Biên tập, Công đoàn Báo Pháp luật Việt Nam và gia đình thương tiếc báo tin:

Vì sao nhiều cô gái trẻ Việt Nam lấy chồng muộn?

Vì sao nhiều cô gái trẻ Việt Nam lấy chồng muộn?
(PLVN) - Thay vì vội vã lên xe hoa, ngày càng nhiều bạn trẻ nữ chọn đầu tư cho bản thân, theo đuổi đam mê và tận hưởng cuộc sống độc thân. Kết hôn muộn đang trở thành xu hướng, mang đến những lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn hệ lụy...

Sử dụng mạng xã hội tích cực: Khi cha mẹ cùng con dệt ước mơ

Ca sĩ Tuyết Phượng và người cha cùng xuất hiện trong nhiều clip “cha đàn, con hát” trên mạng xã hội. (Ảnh cắt từ clip)
(PLVN) - Ngày càng nhiều trường hợp cha mẹ và con cùng xây dựng những kênh mạng xã hội thành sân chơi thú vị để thể hiện tài năng hoặc chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ của cả nhà. Đó là một cách sử dụng mạng xã hội đầy tích cực, lan tỏa năng lượng yêu thương, tôn vinh tình cảm gia đình.