Theo Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới”, việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng KVPT phải theo hướng: “… vững mạnh toàn diện cả về tiềm lực, lực lượng, thế trận, trên các mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế,… quốc phòng, an ninh (QPAN) và đối ngoại; trong đó, phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng củng cố QPAN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện làm nền tảng, gắn bó chặt chẽ, liên hoàn với các thành phần, thế trận của KVPT cấp huyện, tỉnh”.
Những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tham mưu với Đảng, Nhà nước về quy hoạch bố trí dân cư gắn với phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng, miền, nhất là trên tuyến biên giới, biển, đảo...; triển khai thực hiện tốt Chương trình “Biển Đông - hải đảo”, Nghị định số 67 của Chính phủ, tạo sinh kế bền vững cho các chủ tàu, chủ rừng, các hộ dân được giao quản lý, bảo vệ rừng... Thực hiện tốt việc quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bảo đảm kết hợp chặt chẽ phát triển KT - XH với củng cố QPAN; chủ động phối hợp với Bộ Y tế tiến hành quy hoạch, xây dựng mạng lưới y tế, bao gồm cả quân và dân y, từ tuyến trung ương đến cơ sở ngày càng vững mạnh.
Thượng tướng Nguyễn Phương Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết: “Kết quả nổi bật là, nhận thức của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và toàn dân về xây dựng KVPT không ngừng được nâng cao; công tác xây dựng các tiềm lực, nhất là tiềm lực chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân” có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, trọng tâm là xây dựng thế trận quân sự, an ninh của KVPT được chú trọng, phát triển theo chiều sâu, ngày càng vững chắc.
Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tham mưu theo chức năng và tổ chức thực hiện thường xuyên được coi trọng, vận hành tương đối hiệu quả. Chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trong KVPT từng bước được nâng lên, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống QPAN trên địa bàn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để các địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH nhanh, bền vững”.
Xuất phát từ quan điểm của Đảng phát triển sức mạnh QPAN phải được tiến hành đồng đều cả về tiềm lực và thế trận, về mỗi bước phát triển KT-XH ở địa phương là bước tích lũy, đầu tư cho QPAN trong KVPT, các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QPAN.
Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, các chương trình, dự án, quy hoạch dân cư, xây dựng nông thôn mới, khu công nghiệp... trước khi triển khai thực hiện đều được các cấp có thẩm quyền thẩm định theo đúng quy trình, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với xây dựng thế trận quân sự trong KVPT. Trung tướng Vũ Hải Sản - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3 cho biết, những năm qua, các tỉnh, thành phố trên địa bàn quân khu có sự phát triển về kinh tế, đã có 4/9 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách và đóng góp một phần ngân sách cho Nhà nước, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, chính sách xã hội được quan tâm, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Với chủ trương xây dựng hai khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) Bình Liêu-Hải Hà-Móng Cái và Bắc Hải Sơn thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã chỉ đạo Đoàn KT-QP 327 phối hợp với địa phương thực hiện dự án di dân, giãn dân và hỗ trợ ổn định dân cư được 1.875 hộ với 7.041 khẩu, đạt 93,75% (tổng vốn đầu tư 46,428 tỷ đồng). Từ chủ trương trên, đến nay đã hình thành tuyến biên giới gồm 11 xã, phường với 78 thôn bản, khu dân cư giáp biên, trong đó thành lập mới hai xã Bắc Sơn, Hải Sơn thuộc TP Móng Cái; khôi phục và thành lập 17 thôn, bản, khu cụm dân cư mới. Các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi vùng biên giới từ một địa bàn dân cư thưa thớt, có khu vực trắng dân, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, đến nay 80% tuyến đường biên đã có dân bản sinh sống, 80% hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, 85% hệ thống kênh thủy lợi được kiên cố hóa.
Dự án trồng rừng đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường và xây dựng kinh tế rừng; các dự án ổn định và phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả giúp nhân dân thay đổi và cải tạo vật nuôi, cây trồng có năng suất cao hơn, góp phần tăng thu nhập để xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH, củng cố cơ sở chính trị, trật tự an toàn xã hội (TTATXH), xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên tuyến biên giới.
Hàng năm, cơ quan quân sự các địa phương đã chỉ đạo lực lượng dân quân, tự vệ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn, thực hiện tốt quy chế phối hợp theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP, Nghị định số 133/2015/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, TTATXH và làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc khi có chiến tranh xảy ra.