Còn nợ đọng 28 văn bản quy định chi tiết
Trong phiên làm việc đầu tiên, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu báo cáo tình hình tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp và triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành năm 2020.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính tập trung vào một đầu mối là tổ chức pháp chế, góp phần rút ngắn quy trình ban hành văn bản, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Các văn bản được ban hành đảm bảo đúng thẩm quyền, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi.
Công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, nhất là những văn bản thuộc các lĩnh vực có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp (như thương mại, đất đai, doanh nghiệp, xây dựng...), văn bản liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh; phát hiện, đề nghị xử lý nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật, tạo được dư luận tích cực trong xã hội, góp phần tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định.
Tính đến tháng 9/2020, còn 20 dự án luật nằm trong Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 chưa ban hành. Việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thật sát với nhu cầu của các đối tượng liên quan. Tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết khắc phục nhưng chưa triệt để, số văn bản nợ ban hành đến nay vẫn còn 28 văn bản…
Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, Chính phủ thời gian qua đã đề ra nhiều biện pháp nhằm “siết chặt kỷ luật, kỷ cương”, phân công và xác định rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong soạn thảo, trình văn bản; bảo đảm chất lượng, tiến độ đã được xác định trong các nghị quyết của QH.
Tuy nhiên, một số hạn chế vẫn chậm được khắc phục, nhất là đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung dự án vẫn diễn ra phổ biến, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của QH. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn kéo dài trong nhiều năm.
Cơ bản đồng ý với các nguyên nhân khách quan, chủ quan được Báo cáo của Chính phủ nêu lên, nhưng các đại biểu cũng cho rằng nguyên nhân chủ yếu là việc chưa chấp hành nghiêm túc đầy đủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm của các chủ thể từ lập chương trình, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến. Các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp hiệu quả hơn để khắc phục tình trạng này cũng như tiếp tục chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.
Phó Chủ nhiệm UBPLQH Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, nhất là người đứng đầu. “Qua làm công tác xây dựng pháp luật tại QH cho thấy, khi nào các bộ, ngành liên quan đến quyền lợi sát sườn trong dự án Luật thì lãnh đạo Bộ tham dự tích cực.
Còn các luật chung thì mời Thứ trưởng đến dự cũng khó khăn. Báo cáo của Chính phủ cần chỉ rõ địa chỉ, kiểm điểm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật”, ông Giang nhấn mạnh.
Một số ý kiến thì đề cập đến thực trạng chồng chéo giữa văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu vấn đề: có tình trạng luật không giao nhưng vẫn có văn bản hướng dẫn, hoặc có tình trạng quy định một đằng, hướng dẫn một nẻo, thậm chí hướng dẫn trái Luật.
Bà Thúy dẫn chứng: Luật Khám, chữa bệnh cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu.
Nhưng tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế lại cho phép người phụ trách chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh được quyết định người hành nghề thực hiện kỹ thuật chuyên khoa khác sau khi có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo kỹ thuật chuyên môn đó do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp mà không cần bổ sung phạm vi hành nghề. Từ đó, bà Thúy đề nghị phải sớm rà soát vấn đề này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng thời xử lý nghiêm, tránh tình trạng lặp lại.