Qua gần 4 năm thi hành, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 với nhiều quy định mới mang tính đột phá đã góp phần giúp công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của pháp luật, tập trung hơn nguồn lực và thời gian chuẩn bị, nhờ đó chất lượng VBQPPL đã được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, quá trình thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 trong thời gian qua cũng đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục xử lý, trong đó có vấn đề về trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, chủ trì soạn thảo VBQPPL. Thực tế cho thấy có một số cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chưa thực sự chủ động, quyết liệt. Việc đầu tư thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng, ban hành văn bản còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu, tính chất phức tạp của công việc.
Trong giai đoạn lập đề nghị, chuẩn bị dự thảo luật, cơ quan chủ trì chưa xác định rõ những chính sách nào, những nội dung nào có thể ủy quyền, cần ủy quyền để giao ban hành văn bản quy định chi tiết. Ngoài ra, tuy đã có quy định xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ trì trong việc lấy ý kiến và góp ý kiến về đề nghị xây dựng VBQPPL nhưng chưa quy định cụ thể về việc giám sát cơ quan chủ trì trong việc tổ chức lấy ý kiến, tiếp nhận, phản hồi đối với những góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Do đó, muốn nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng VBQPPL thì một trong những nhiệm vụ đặt ra đó là nâng cao trách nhiệm của cơ quan lập đề nghị, chủ trì soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản. Vấn đề này cũng đã được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 quan tâm điều chỉnh.
Theo đó, Luật đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc xây dựng Báo cáo về rà soát các VBQPPL có liên quan đến dự án, dự thảo; đồng thời, bổ sung Báo cáo này vào hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua.
Nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị và giúp cho cơ quan có thẩm quyền có thêm thông tin khi xem xét, thông qua đề nghị, Luật năm 2020 yêu cầu trong hồ sơ đề nghị phải có “Dự kiến đề cương chi tiết” thay cho “Đề cương” như quy định trong Luật năm 2015.
Cùng với đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Theo đó, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên bên cạnh các nhiệm vụ chính trị khác. Đổi mới tư duy làm chính sách, xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các cán bộ, công chức tham mưu chính sách. Bên cạnh trình độ chuyên môn, cần có kiến thức về pháp luật, có kỹ năng đánh giá tổng hợp thực tiễn để tham mưu chính sách hợp lý, khả thi.
Cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, nhất là các quy định mới được sửa đổi, bổ sung nghiên cứu thì cũng cần tiếp tục hoàn thiện quy định, quy trình xây dựng luật theo hướng nâng cao giá trị pháp lý của văn bản thẩm định và bảo đảm trách nhiệm “đến cùng” của cơ quan trình dự án luật, pháp luật. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Chính phủ trong việc lập đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm và khả thi.