Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xác định mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng VTVL và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ Cán bộ (CB) các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đến năm 2025 sẽ xây dựng được đội ngũ CB các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, VTVL và khung năng lực theo quy định.
Trong số các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác CB được đề cập trong Nghị quyết có việc thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với từng nhóm đối tượng theo VTVL, chức danh, chức vụ, năng suất lao động, hiệu quả công tác và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực của đất nước. Nghị quyết cũng nêu rõ việc cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ CB các cấp, các ngành theo VTVL, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, kết quả khảo sát cho thấy việc xác định VTVL còn nhiều tồn tại, hạn chế. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần phải đẩy mạnh xây dựng VTVL để chuẩn bị cho việc triển khai các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. “Đây được coi là giải pháp căn bản bởi nếu không xây dựng được VTVL theo đúng yêu cầu đã đặt ra thì sẽ không tinh gọn được bộ máy, không tinh giản được biên chế gắn với cơ cấu CBCC, không thể cải cách tiền lương…”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng cho rằng, để khắc phục những khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ mô hình cũ sang một mô hình mới cần đảm bảo giải quyết được những tồn tại của mô hình cũ và không tạo ra thêm những khó khăn hay những vấn đề mới cần phải giải quyết. Theo ông Đồng, để làm được việc trên, cần quan tâm đến 6 vấn đề.
Thứ nhất, trên cơ sở danh mục VTVL đã được phê duyệt cần phải phân tích, thiết kế công việc một cách hệ thống để có thể so sánh được mức độ khó hay dễ phức tạp hay đơn giản của từng loại công việc trong cùng một cơ quan, tổ chức hay ở các cơ quan, tổ chức khác nhau. Trên cơ sở đó, xác định các tiêu chuẩn hay tiêu chí cụ thể đối với từng vị trí công việc để điều chỉnh kịp thời khung năng lực cho phù hợp. Dựa vào đó, việc tuyển dụng hay đánh giá CCVC có thể đảm bảo được yếu tố công bằng và khách quan hơn.
Thứ hai, trong nền công vụ việc làm, việc tuyển chọn nhằm mục đích chọn được người phù hợp nhất cho công việc chứ không phải chọn được người có bằng cấp phù hợp với yêu cầu của ngạch bậc. Vì vậy, ngay cả khi đã xây dựng được các tiêu chuẩn cho mỗi vị trí công việc thì cũng cần chú trọng tới các công việc khác và thi tuyển cũng cần phải đảm bảo loại bỏ được sự ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan đảm bảo sự công bằng…
Thứ ba, cần có hệ thống đánh giá CC một cách khoa học, hợp lý, chú trọng việc thiết kế các công cụ đo lường kết quả thực hiện các tiêu chí đó để đảm bảo tính chính xác của kết quả đánh giá.
Thứ tư, việc trả lương trong mô hình công vụ việc làm hoàn toàn theo vị trí công việc chứ không căn cứ vào bằng cấp. Vì vậy, cần có cơ chế giám sát quá trình thực hiện công việc của CC để đảm bảo thực hiện tốt nhất hiệu quả nhất các yêu cầu công việc đã đặt ra. Vấn đề thứ năm, theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, là cần thực hiện phân cấp trong quản lý CC bởi mô hình việc làm đòi hỏi các nhà quản lý phải được trao quyền nhiều hơn trong các hoạt động quản lý nhân sự, tuyển dụng, đánh giá đến trả lương…
Thứ sáu, nhận thức và cách làm việc của CBCC nói chung và của những người làm công tác quản lý nhân sự cần thay đổi cho phù hợp với các “giá trị” của mô hình việc làm. Ví dụ, làm thế nào để các hoạt động đánh giá, tuyển dụng CC hoàn toàn gắn với việc chứ không gắn với người, không thể để xảy ra tình trạng tuyển dụng “có vào mà không có ra” và bổ nhiệm “có lên mà không có xuống”.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng nội dung xây dựng nền công vụ nhà nước theo mục tiêu hiện đại, dân chủ, công bằng, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả với đội ngũ CC chuyên nghiệp, trong sạch, không vụ lợi, đủ năng lực, phẩm chất để thực thi công vụ. Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trên đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị cao để cùng hướng tới mục tiêu chung của công cuộc cải cách hành chính, cải cách chế độ CC công vụ, cụ thể là hoàn thiện xây dựng đề án VTVL.
Thực hiện thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần khắc phục tình trạng tổ chức bộ máy và nhân sự hoạt động công vụ chưa chuyên nghiệp, từ đó xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả vì nhân dân, phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo sự thành công của công cuộc cải cách mà Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm thực hiện.
Ông Phan Văn Vượng – Phó Trưởng ban Dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – cũng cho rằng, một khi đã xây dựng được VTVL rồi thì việc sử dụng con người hiệu quả, công việc sẽ cao hơn. Vấn đề ở đây là các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm triển khai. “Phải quán triệt từ trên xuống dưới, từ Trung ương xuống địa phương, từ những người đứng đầu tới CBCCVC, người lao động đều phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa tầm quan trọng và đặc biệt là hiệu quả thì việc triển khai sẽ dễ dàng”, ông nói.