Thay đổi phương thức, lề lối làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác - nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cũng là những biện pháp rất quan trọng để tránh tập trung đông người, thực hiện giãn cách xã hội, mang lại lợi ích lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Điểm lại một số kết quả nổi bật, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết, trong 7 tháng qua, vấn đề pháp lý, thể chế cho Chính phủ điện tử được quan tâm thúc đẩy với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, về quản lý, kết nối và chia
sẻ dữ liệu, mã định danh điện tử của các cơ quan… Đặc biệt, một số nền tảng hệ thống thông tin có ý nghĩa quan trọng, mang tính đổi mới, thay đổi phương thức, lề lối làm việc, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhận được sự ủng hộ, phản hồi tích cực của các cá nhân, tổ chức.
Trong đó, trục liên thông văn bản quốc gia từ tháng 3/2019 đến nay đã có trên 2,2 triệu văn bản được gửi nhận, ước tính tiết kiệm cho ngân sách 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống e-Cabinet từ tháng 6/2019 đã phục vụ 18 phiên họp của Chính phủ và xử lý 439 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế cho việc in ấn, phát hành 129.000 hồ sơ, tài liệu giấy và tiết kiệm rất lớn về thời gian.
Được khai trương tháng 12/2019, Cổng DVCQG đến nay cũng đã có hơn 53,7 triệu lượt truy cập, hơn 205 nghìn tài khoản đăng ký 1 lần, trên 12,6 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 228 nghìn hồ sơ được thực hiện… Tổng chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng mỗi năm, trong đó riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) đóng góp khoảng 3.036 tỷ đồng.
Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ được khai trương từ tháng 3/2020, đã kết nối với 16 bộ, cơ quan, 20 chế độ báo cáo và 61/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành. Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua hệ thống, ước tính sẽ tiết kiệm được cho ngân sách 460 tỷ đồng mỗi năm.
Công tác xây dựng, rà soát thể chế, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đạt những kết quả thiết thực. Tháng 5/2020, Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ…
Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng đã tổ chức 6 hội nghị, hội thảo với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng các bộ, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đóng góp thiết thực cải thiện môi trường kinh doanh…
Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử
Theo Tổ trưởng Tổ công tác, sắp tới việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách TTHC sẽ được tiếp tục đẩy mạnh với nhiều công việc cụ thể. Trong đó, dự kiến tháng 8/2020 sẽ ra mắt Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cổng DVCQG sẽ sớm khai trương dịch vụ công thứ 1.000, với những nội dung được người dân và doanh nghiệp rất quan tâm, trong đó có thủ tục đăng ký ô tô, xe máy, người dân và doanh nghiệp có thể tiến hành “bốc biển số” qua Cổng. “Cải cách là dư địa tăng trưởng, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh như vậy. Chúng ta quyết tâm cải cách theo hướng điện tử hóa, số hóa”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, đại diện 11 bộ tập trung đánh giá tình hình triển khai một số nhiệm vụ cụ thể, như triển khai kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử; cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tích hợp, cung cấp thủ tục trên Cổng DVCQG; chuẩn hóa, đơn giản hóa chế độ báo cáo, xây dựng hệ thống thông tin báo của bộ và kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; công tác cải cách TTHC, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện TTHC…
Đại diện nhiều bộ khẳng định quyết tâm “chạy đua” với thời gian để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.
Trước việc có bộ hiện còn ít dịch vụ được tích hợp và hồ sơ được đồng bộ trạng thái, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho rằng, “phải cắt hết những vòng vèo trong thủ tục thì người dân mới lựa chọn làm thủ tục qua Cổng DVCQG; nếu không thì người ta chọn làm hồ sơ giấy còn hơn. Ít dịch vụ được tích hợp, ít hồ sơ được đồng bộ hóa trên Cổng DVCQG, đề nghị bộ cần xem xét lại cách làm, thiết thực hơn”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh tinh thần là nội dung nào người dân, doanh nghiệp cần thì triển khai quyết liệt, các dịch vụ nào người dân có nhu cầu lớn thì càng triển khai sớm. Quy trình thủ tục phải cắt giảm, thực sự phải cải cách; làm đến đâu chắc đến đấy, đưa lên phải có người dùng thực sự hiệu quả chứ không phải đưa lên cho “đẹp sổ”, đưa lên vì thành tích.
Việc các bộ liên thông, kết nối, chia sẻ, tích hợp dịch vụ lên Cổng DVCQG là rất quan trọng để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt nhất vì như muốn đăng ký xe qua mạng cần phải có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu từ nhiều cơ quan, nhiều bộ khác nhau.